Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế huyện ven biển và Khu kinh tế Thái Bình
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thái Thụy đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Đặc biệt, là tập trung thu hút nguồn lực để khai thác tối đa tiền năng, lợi thế huyện ven biển, từ đó, từng bước phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm của huyện ước đạt 17,6%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, năm 2020 ước đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, gấp 1,67 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2015 đến 2020 ước đạt trên 89.576 tỷ đồng, tăng hơn 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 54 triệu USD, tăng bình quân trên 22%/năm. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 5.314 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,88%/năm, cao hơn mục tiêu Đại hội 0,18%/năm. Diện tích lúa duy trì ổn định trên 26.000 ha/năm, năng suất luôn giữ mức 131 tạ/ha/năm. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng trang trại, dịch chuyển dần ra vùng chuyển đổi, xa khu dân cư và gắn với bảo vệ môi trường. Kinh tế biển phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản với giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước đạt 1.712 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hơn 7,8%/năm, tăng 2,5%/năm so với giai đoạn 2010 - 2015. Nuôi trồng thủy sản đã chú trọng cả khu vực bãi bồi ven sông, ven biển và vùng chuyển đổi úng trũng nội đồng, đa dạng hóa con nuôi, chuyển đổi mạnh mô hình nuôi quảng canh cải tiến sang thâm canh và công nghệ cao. Khai thác hải sản phát triển mạnh theo hướng xa bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trên biển, từng bước thay thế các tàu có công suất nhỏ bằng các tàu có công suất lớn. Dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm và đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả; công tác phát triển rừng phòng hộ đã trồng mới, trồng xen, trồng dặm trên 1.000 ha rừng ngập mặn, nâng diện tích rừng hiện có lên trên 3.500 ha. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đến nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế với giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt hơn 20.214 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 28/năm, trong đó bình quân ngành công nghiệp tăng gần 44%/năm. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 7,78%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đạt kết quả cao, trong đó tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm đạt 6.705,9 tỷ đồng, tăng 1,45 lần so với giai đoạn 2010-2015. Công tác quy hoạch được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý, tiền đề phát triển kinh tế, xã hội của huyện và các địa phương. Trong đó, xây dựng thị trấn Diêm Điền đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; tập trung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư. Đã và đang triển khai nhiều dự án lớn, công trình trọng điểm, nhất là phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, các đơn vị tư vấn triển khai công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quan tâm chỉ đạo theo hướng phát triển bền vững. 100% số xã, thị trấn có khu xử lý rác thải tập trung và có tổ vệ sinh môi trường. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao tiếp tục phát triển; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được tăng cường; công tác dân số và phát triển luôn được quan tâm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chú trọng quan tâm đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Các chế độ, chính sách xã hội với người có công được thực hiện đầy đủ và kịp thời; phong trào đền ơn đáp nghĩa được duy trì hiệu quả. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, tình hình chính trị - xã hội ổn định. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của huyện giai đoạn tới. Cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương ven biển thì Thái Thụy đang đón nhận những cơ hội, thời cơ mới khi có các tuyến đường vành đai ven biển, đường Thái Hà, Quốc lộ 37 kết nối với tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, cùng với Khu Kinh tế Thái Bình được triển khai thực hiện sẽ có tác động tích cực, căn bản, nhiều chiều, tạo ra nhiều cơ hội thu hút các nguồn lực, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Đây là yếu tố, nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu nhằm đưa nền kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó phấn đấu: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020-2025 là 19,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế năm 2025: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 8,9%; công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 79%; thương mại, dịch vụ chiếm 12,1%; thu ngân sách trên địa bàn (không tính tiền thu sử dụng đất) tăng bình quân 12%/năm; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao từ 30% đến 35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm trên 0,2%/ năm; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% công trình vệ sinh, phòng học, phòng làm việc của các trường đạt chuẩn theo quy định; hàng năm có trên 90% thôn, khu phố và gia đình đạt danh hiệu văn hóa...
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu nói trên, huyện Thái Thụy đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực, tạo bước đột phá phát triển kinh tế, xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Đặc biệt, là xây dựng và tập trung vào thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đề ra trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ. 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ vào cuộc sống, tạo động lực phát triển cho toàn xã hội; thu hút mọi nguồn lực, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng khu kinh tế ven biển, hạ tầng giao thông kết nối giữa Khu kinh tế Thái Bình với thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững và giải quyết tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. 3 đột phá chiến lược gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt 5 tại chỗ, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu quả, hiện đại; tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ sẵn sàng đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút, tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Khu kinh tế Thái Bình; hoàn thiện quy hoạch, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh phát triển đô thị Diêm Điền mở rộng từng bước trở thành đô thị xanh, đô thị ven biển văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, triệt để khai thác mọi tiềm năng của khu vực ven biển, rừng ngập mặn Thụy Trường, Cồn Đen... để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm kết hợp du lịch tâm linh, văn hóa.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, lao động cần cù, sáng tạo và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đưa Thái Thụy ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.