A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người vợ Cựu chiến binh như thế!

Người phụ nữ, người vợ CCB mà tôi rất trân trọng, cảm phục là chị Nguyễn Thị Liên, vợ CCB Trịnh Quang Phong bị nhiễm chất độc da cam. Gia đình ở khu phố 3, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Mùa xuân năm 1966, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Trịnh Quang Phong xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào Cục hậu cần Quân khu 5. Trong chiến tranh, Quân khu 5 là một trong những chiến trường ác liệt nhất, bom đạt của địch cày xới suốt ngày đêm, đồng thời bọn chúng còn liên tục rải chất độc hóa học xuống làng mạc, núi rừng, sông suối là những nơi nghi ngờ có bộ đội ta đóng quân. Mặc bom đạn, chất độc hóa học, anh Phong luôn hoàn thành nhiệm vụ. Cuối năm 1969 anh được cử đi dự đại hội thi đua quyết thắng tại Quân khu 5 và được Đại hội tuyên dương là “kiện tướng vận tải xe thồ”. Quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Trịnh Quang Phong được tặng Huân chương và nhiều Bằng khen, Giấy khen. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, năm 1976 anh Trịnh Quang Phong phục viên về địa phương tham gia lao động sản xuất. Anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Liên, một cô gái cùng quê thùy mị, nết na. Hai vợ chồng cần cù, chịu khó lao động, phát triển kinh tế gia đình. Lần lượt 02 người con trai của anh chị ra đời đã mang lại niềm vui lớn không chỉ với anh chị mà còn với anh em họ hàng. Cuộc sống của gia đình tuy còn khó khăn nhưng bù lại năm tháng đầm ấm, hạnh phúc.

Khi anh Trịnh Quang Phong ngoài 50 tuổi thì anh bắt đầu phát bệnh. Biểu hiện ban đầu là sức khỏe giảm sút, chân tay run rẩy, trí nhớ giảm. Chị Liên đã đưa anh đi chữa trị ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Bệnh viện kết luận anh bị chứng teo não. Đây là căn bệnh trầm trọng của những người bị nhiễm chất độc da cam ở thể nặng. Chị Liên nhờ bác sỹ tư vấn về điều trị thuốc men và chế độ dinh dưỡng của người bệnh và rồi chính chị là “bác sỹ” chữa trị cho anh tại nhà. Đều đặn hàng tháng, chị mang sổ đến bệnh viện lấy thuốc, đồng thời chị còn cắt thuốc Đông y để kết hợp nâng đỡ sức khỏe cho anh. Bữa ăn hàng ngày của anh được chị đặc biệt quan tâm, không những đảm bảo dinh dưỡng mà mỗi khi cho anh ăn, chị còn kể cho anh nghe những mẩu chuyện vui của khu xóm để anh quên đi ốm đau bệnh tật, mọi sinh hoạt cá nhân của anh 4 mùa, chị hàng ngày chăm sóc. Bên cạnh đó chị vừa phải lao động, nội trợ hàng ngày, chị còn phải luôn luôn để ý, trông chừng anh đến nơi đến chốn. Chi đã từng tâm sự “Từ ngày anh phát bệnh, chưa đêm nào chị ngủ yên giấc. Có những đêm đang nằm trên giường, anh lại xuống nằm nền nhà. Thương anh chị không đành lòng, chị lựa dỗ dành và dìu anh lên giường đắp chăn ấm cho anh ngủ”. Những điều đó của chị được bà con khu xóm chứng kiến những việc làm đầy tình nghĩa của chị, ai nấy đều hết sức cảm phục, bởi lẽ tuy vất vả là vậy nhưng chị không hề phàn nàn ca thán mà luôn luôn chăm sóc tận tình chu đáo đối với người chồng ốm đau, bệnh tật.

Từ nghị lực và tấm lòng của người vợ, người mẹ, lại được chính quyền và bà con khu xóm giúp đỡ, chị vừa chăm anh, vừa nuôi dạy hai con trai khôn lớn, đang cùng bà con đánh bắt cá trên biển, cả hai đều cần cù chịu khó không mắc tai, tệ nạn xã hội. Trong bộn bề công việc, chị Nguyễn Thị Liên vẫn dành thời gian và nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở khu dân cư. Từ nhiều năm nay, chị là ủy viên BCH chi hội phụ nữ và chi hội người cao tuổi khu 3 thị trấn Diêm Điền. Chị luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Gia đình chị hàng năm đều đạt gia đình văn hóa.

Sau lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Liên, tôi cứ suy nghĩ mãi về những việc làm của chị. Là người phụ nữ bình dị nhưng trong cuộc sống đời thường thì luôn luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu trao tặng.


Tác giả: Ngô Trung Kiên – Khu 3, thị trấn Diêm Điền
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết