Bản tin nội bộ tháng 7/2023
ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THÁNG 7/2023
1- Tuyên truyền kết quả nổi bật: Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, khóa XIII; kết quả kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV; tuyên truyền Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27-2-2023 của Ban Bí thư quy định cách thức sử dụng cờ Đảng trên sân khấu, lễ đài tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị - xã hội ngoài trời.
2- Tuyên truyền gieo cấy lúa vụ mùa; tiến độ xây dựng NTM nâng cao, xây dựng chi bộ kiểu mẫu; công tác bảo đảm ANTT, ATGT; kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè; công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
3- Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị như: 76 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023); 91 năm Ngày hy sinh của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (31/7/1932-31/7/2023); 77 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946- 12/7/2023); 46 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2023)...
4- Tiếp tục tuyên truyền nội dung cốt lõi cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” gắn với kết quả 01 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cuả tỉnh, huyện và các giải pháp chỉ đạo thời gian tới.
5- Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, lợi dụng cuộc xung đột Nga-Ukraina; đặc biệt là về vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra tại Đắk Lắk để xuyên tạc, kích động biểu tình, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang dư luận trên địa bàn huyện.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Gương sáng:
SÁNG NGỜI TẤM GƯƠNG THƯƠNG BINH
PHẠM THẾ HẰNG TÀN, NHƯNG KHÔNG PHẾ
Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, người lính trẻ năm xưa ấy lại dốc bầu nhiệt huyết góp sức xây dựng phong trào quê hương, phát huy vai trò người đảng viên cao tuổi, thương binh tàn nhưng không phế bằng những hành động việc làm thiết thực để làm gương cho các thế hệ trẻ noi theo, đó người thương binh Phạm Thế Hằng, xã Dương Hồng Thủy, người 2 lần vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen người có công tiêu biểu.
Tham gia quân đội tháng 12/1969 vào đơn vị 126 đoàn đặc công Hải Quân, đóng quân ở đảo Cát Hải thành phố Hải Phòng chỉ một thời gian ngắn, ông Phạm Thế Hằng, xã Dương Hồng Thủy lại lên đường vào Nam tham gia chiến đấu tại B1 thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trực tiếp đánh địch tại quân cảng Quy Nhơn. Trưởng thành là lính đặc công nước, do đó cùng với sức khỏe dẻo dai, tinh thần chiến đấu gan dạ bền bỉ của sức trẻ đã giúp ông Hằng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đơn vị giao, nhưng rồi trong một lần tác chiến giao tranh với địch, ông đã bị thương 51% sức khỏe bởi một vết thương ở phổi và gẫy chân trái…Bởi thế cho nên, năm 1974 ông Hằng được đơn vị đưa ra Bắc nghỉ an dưỡng tại đoàn 153 Tiền Hải. Sau khi phục viên trở về quê nhà xã Thái Hồng, nay là xã Dương Hồng Thủy. Được dân tin, Đảng cử, năm 1976 ông Hằng tham gia vào Ban Thường vụ xã, giữ cương vị chủ tịch UBND xã Thái Hồng hơn 1 nhiệm kỳ. Đến đầu năm 1981, ông được điều động lần lượt làm cán bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Phó Giám đốc tại Khu điều dưỡng người có công Vô Hối, cho đến năm 2007 ông về nghỉ hưu. Trong quá trình công tác xã hội, ông Hằng luôn thể hiện tinh thần khí phách người lính cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế, làm việc hết mình với trách nhiệm được giao. Đặc biệt với công tác người có công, ông luôn chu toàn, đảm bảo tuyệt đối quyền- lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng. Chính vì thế năm 2000, ông đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao tặng Huy chương vì sự nghiệp Lao động- Thương binh và Xã hội, phần thưởng vinh danh người có nhiều đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công của tỉnh nhà. Trong đó 2 lần vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen người có công tiêu biểu xuất sắc (năm 2012 và năm 2022). Đối với quê hương, bất kể việc gì dù to hay nhỏ, hễ địa phương phát động là ông lại cùng con, cháu, vận động người thân tham gia ủng hộ với tinh thần chung sức vì quê hương. Nhắc đến người thương binh Phạm Thế Hằng ai cũng quý mến bởi đức tính hiền hậu sống chan hòa, giúp ai được cái gì ông đều cố gắng. Mặc dù hiện nay sức khỏe yếu, chân bị teo do ảnh hưởng của thương tật, đi lại khó khăn nhưng ông luôn có mặt kịp thời tại những buổi sinh hoạt thôn, xóm, tham gia sinh hoạt đảng nơi cư trú đều đặn để góp tiếng nói chung xây dựng phong trào quê hương hoặc động viên bà con khu xóm chia ngọt sẻ bùi mỗi khi gia đình nào đó có hiếu, hỉ, góp chuyện vui, buồn, thể hiện đạo lý tình làng, nghĩa xóm. Có thể khẳng định ông Phạm Thế Hằng đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, đồng chí, đồng đội bền chặt. Ông luôn giữ vững chí khí của người chiến sỹ cách mạng, kể cả khi trở về địa phương hơn chục năm vẫn giữ phẩm chất đảng viên và anh bộ đội cụ Hồ tham gia tổ chức Cựu chiến binh, sinh hoạt đảng, cộng đồng làng xã được bà con quý mến tôn trọng, bản thân ông luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện để xứng đáng là đảng viên tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mặc dù đã hơn 77 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, nhưng người thương binh Phạm Thế Hằng, xã Dương Hồng Thủy vẫn luôn nỗ lực hết mình dành trọn tâm huyết cho phong trào quê hương, ông xứng đáng là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Bùi Thủy - Đài TT- TH huyện
TIN TRONG HUYỆN
HUYỆN ỦY- HĐND-UBND HUYỆN PHỐI HỢP VỚI BỘ TƯ LỆNH VÙNG CẢNH SÁT BIỂN 1 TUYÊN TRUYỀN TÌNH HÌNH BIỂN, ĐẢO VÀ GIỚI THIỆU LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN
Sáng ngày 20-6-2023, tại Trung tâm Chính trị huyện, Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1 phối hợp với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển, đảo thời gian gần đây và giới thiệu lực lượng cảnh sát biển.
Đến dự hội nghị và trực tiếp truyền đạt chuyên đề có đồng chí: Đồng chí Đại tá Trần Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1; các đồng chí Phó Chính ủy Hải đoàn 11, Phó Hải đoàn trưởng Pháp luật; thủ trưởng Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1. Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện; Đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí: Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó các phòng, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Cựu chiến binh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Bí thư đoàn xã các xã, thị trấn; Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chi ủy trực thuộc Huyện ủy; Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện; đồng trưởng: Đồn Biên phòng Trà Lý, Hải đội 2, Cửa khẩu Diêm Điền; đồng chí giám đốc các doanh nghiệp vận tải biển; Chuyên viên các ban xây dựng đảng, Trung tâm Chính trị huyện, cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Huyện ủy.
Tại Hội nghị, 334 đại biểu được nghe Đại tá Trần Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1 giới thiệu một số thông tin về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, vị trí tầm quan trọng của Biển Đông, chủ quyền an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc, về chức năng nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát Biển nói chung, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển l nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; tuyên truyền Luật Thủy sản; những quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); một số thông tin cập nhật về vấn đề, sự kiện trên biển Đông hiện nay tác động đến công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại của Việt Nam
Thông qua Hội nghị, các đại biểu cơ bản nắm sâu, hiểu rõ tình hình biển, đảo thời gian gần đây và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối phó với thách thức an ninh, biển đảo trong tình hình mới; từ đó xây dựng ý trí, trách nhiệm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho Nhân dân và giúp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; qua đó góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, cùng lực lượng Cảnh sát Biển giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Hồ Hiền - Đài TT-TH huyện
DIỄN TẬP PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN HUYỆN THÁI THỤY NĂM 2023
Sáng ngày 15- 6-2023, huyện Thái Thụy tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2023. Đến dự có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.
Cuộc diễn tập PCTT và TKCN huyện Thái Thụy năm 2023 với nội dung chính gồm: diễn tập vận hành cơ chế và diễn tập thực binh; trong đó, về diễn tập thực hành cơ chế: Thường trực Huyện ủy Thái Thụy hội ý xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 1 và xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn; hội nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện họp điều chỉnh kế hoạch PCTT và TKCN, triển khai ứng phó với bão và xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn. Về diễn tập thực binh: thực hành sơ tán Nhân dân khu vực nuôi trồng thủy hải sản tại cảng cá Tân Sơn, tổ dân phố số 9, Thị trấn Diêm Điền; thực hành kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, xử lý tình huống cháy tàu và tìm kiếm cứu nạn ngư dân bị nước cuốn trôi tại khu vực đèn Hải Đăng, tổ dân phố số 9, thị trấn Diêm Điền.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập nhấn mạnh: Đây là sự kiện nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh, thấy rõ tầm quan trọng của công tác PCTT và TKCN trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay; đồng chí yêu cầu ban tổ chức diễn tập huyện Thái Thụy cần tập trung cao nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo trong chỉ huy điều hành các lực lượng tham gia diễn tập, bảo đảm cuộc diễn tập diễn ra theo đúng nội dung, thời gian đã xác định; chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong suốt quá trình tổ chức thực hành cuộc diễn tập.
Trong thực hành diễn tập thực binh đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, biên phòng, công an, lực lượng dân quân các xã, thị trấn và Nhân dân; về phương tiện đã huy động 16 xe ô tô, 22 tàu đánh cá, 10 tàu và xuồng quân sự, 1 xe cứu thương, chuẩn bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, máy phát điện. Quá trình diễn tập các lực lượng đã hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình; bảo đảm phương pháp, tác phong và tính khẩn trương trong xử lý tình huống; đồng thời đặc biệt bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện trong diễn tập.
Thông qua cuộc diễn tập, đã góp phần nâng cao nhận thức tầm quan trọng về công tác PCTT và TKCN của các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, chỉ huy, khả năng hiệp đồng, xử lý các tình huống trong PCTT và TKCN có thể xảy ra trên địa bàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản của đơn vị và Nhân dân trên địa bàn huyện.
Kết thúc buổi diễn tập, Ban tổ chức tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời khen thưởng cho 11 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức diễn tập PCTT và TKCN huyện năm 2023.
Ban Chỉ huy quân sự huyện
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NÔNG DÂN HUYỆN THÁI THỤY LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2023 – 2028
Ngày 06- 07/6/2023 tại Trung tâm Chính trị huyện, Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Về dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lê Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình; đồng chí Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy các xã, thị trấn đã đến dự và chúc mừng Đại hội. Đại hội đã triệu tập 150 đại biểu chính thức là những cán bộ, hội viên tiêu biểu thay mặt trên 46.000 cán bộ, hội viên trong toàn huyện.
Đại hội Đại biểu HND huyện Thái Thụy lần thứ XI có nhiệm vụ: đánh giá kết quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cho nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Trình bày báo cáo chính trị, đồng chí Chủ tịch Hội nông dân huyện khẳng định: Nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức hội viên, nông dân thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ X đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi và tự hào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2018 - 2023. Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nông dân bằng những hình thức đa dạng, cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo, tính tự giác tiền phong gương mẫu của cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần tích cực, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục được củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng. Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện kết nạp 6.272 hội viên mới đưa tổng số hội viên toàn huyện đến nay 46.200 hội viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội được quan tâm triển khai. Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ nông dân mang lại lợi ích thiết thực, chính đáng cho hội viên và phong trào.
Với những nỗ lực trên, phong trào Hội Nông dân huyện nhiều năm liền được Trung ương Hội, UBND tỉnh, BCH HND tỉnh, UBND huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen; năm 2018 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2012-2018, năm 2021 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Những thành tích đó đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện nhà trong những năm qua.
Cùng với đó, Đại hội đã bầu ra BCH Hội Nông dân huyện Thái Thụy nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm 21 đồng chí cán bộ, hội viên tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân trong suốt nhiệm kỳ và bầu ra 33 đại biểu chính thức, 03 đại biểu dự khuyết đi dự đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Khóa XI đã họp phiên thứ nhất và bầu ra Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đình Chung tiếp tục tái cử chức danh Chủ tịch Hội Nông dân Huyện, đồng chí Nguyễn Thị Vân Khánh tái cử chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện khóa X, nhiệm kỳ 2023- 2028.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy ghi nhận và biểu dương những thành tích của phong trào nông dân và công tác Hội mà cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; chỉ ra những tồn tại cần khắc phục và những định hướng lớn cho công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới. Chỉ đạo, giao trách nhiệm cho BCH khóa mới lãnh đạo phong trào nông dân huyện ngày càng phát triển bền vững.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã thành công tốt đẹp, là tiền đề tạo lên sức mạnh to lớn, cổ vũ các tầng lớp nông dân huyện thi đua phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Bùi Thị Son - Hội Nông dân huyện
HỘI CCB HUYỆN TẬP HUẤN CHO CÁN BỘ CỰU CHIẾN BINH TRÊN TOÀN HUYỆN
Thực hiện kế hoạch công tác Hội năm 2023 và được sự nhất trí của Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Thái Bình, Thường trực huyện Thái Thụy; sáng ngày 05 tháng 6 năm 2023, Hội CCB huyện tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ Hội CCB toàn huyện với sự tham gia của hơn 140 đại biểu là cán bộ từ chi hội trở lên. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản cốt lõi Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”; đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh quán triệt phổ biến một số nội dung công tác bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian qua và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Cũng tại hội nghị các đại biểu được nghe lãnh đạo Hội CCB huyện phổ biến những nội dung cơ bản trong Điều lệ Hội CCB Việt Nam khóa VII.
Thông qua tập huấn đội ngũ cán bộ Hội CCB trong toàn huyện nắm được những nội dung cơ bản cốt lõi các chuyên đề do các báo cáo viên trình bày. Với tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện quan điểm, tính nhất quán xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về chống tham nhũng tiêu cực, đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai; từ đó nâng cao nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh. Về thực trạng việc mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, huyên thời gian qua, cán bộ hội viên CCB thấy rằng: Bảo đảm an toàn giao thông trách nhiệm không phải của riêng ai mà là trách nhiệm của các cấp các ngành, của cả xã hội; thông qua đó, động viên các thế hệ CCB từ huyện đến cơ sở tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông với phương châm “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”, bảo đảm tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương giao. Trên cơ sở nắm chắc nghiệp vụ công tác hội, quyết tâm xây dựng Hội trong sạch vững mạnh xứng đáng với niềm tin cậy của cấp ủy chính quyền địa phương và sự yêu mến của nhân dân.
Đỗ Thanh Toản - Phó chủ tịch Hội CCB huyện
THÁI THỤY TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI
KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27- 7- 1947- 27- 7- 2023)
Thái Thụy là mảnh đất giầu truyền thống cách mạng, trải qua sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ- chính quyền và nhân dân trong huyện luôn làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng để đền đáp công ơn của những người đã công hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hướng tới Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ 27/ 7/1947- 27/7/2023, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm với nhiều nội dung thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan, ban ngành, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; UBND các xã, thị trấn chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công. Cụ thể, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ trong đó tập trung vào các hoạt động lớn như: phát động ủng hộ xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa ở các cấp huyện và xã, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân ủng hộ xây dựng quỹ để hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn. Trong chuỗi các hoạt động tri ân đó, huyện tổ chức đoàn đi thăm viếng tại các Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; tổ chức thăm hỏi tặng quà cho người có công trên địa bàn huyện. Theo đó, năm 2023 ngoài xuất quà quà của Chủ tịch nước, của tỉnh trao tặng, huyện cũng quyết định tặng mỗi người có công 1 suất quà trị giá 250.000 đồng; tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm ngày 27/7; chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục xây dựng chỉnh trang các Nghĩa trang liệt sỹ, Đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn huyện để thể hiện lòng tri ân đối với những công lao của những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Tri ân người có công với cách mạng, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và các thế hệ người dân huyện Thái Thụy. Đồng thời, thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn huyện.
Bùi Thủy - Đài TT- TH huyện
KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ 6 THÁNG ĐẦU NĂM;
NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023
Sáu tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, song dưới sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Huyện ủy – HĐND – UBND huyện, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, huyện Thái Thụy đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp sáng tạo, kịp thời và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
I -Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
1 -Công tác xây dựng đảng tiếp tục được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện từ huyện đến cơ sở
Cấp ủy các cấp đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ban hành Chỉ thị số 20 -CT/HU,ngày 05-6- 2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Tập trung quán triệt các quan điểm, chỉ thị, nghi quyết của Đảng. Làm tốt công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh và của huyện; chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội, nhất là dư luận về các dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn huyện. Công tác giáo dục lý luận chính trị được quan tâm chỉ đạo, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng các bài giảng. Đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Kết luận 01 –KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII
Chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm về tổ chức bộ máy, biên chế; công tác cán bộ, chính sách cán bộ; xây dựng tổ chức đảng và đảng viên; đào tạo - bồi dưỡng; bảo vệ chính trị nội bộ. Hoàn thành công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với 66 tổ chức đảng, 10.870 đảng viên, 75 tập thể lãnh đạo quản lý, 67 cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban và tương đương và 184 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã năm 2022 theo đúng hướng dẫn của tỉnh. Chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ thực hiện đăng ký xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu năm 2023 theo Đề án 02 của Tỉnh ủy; đẩy mạnh việc khai thác sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong sinh hoạt chi bộ. Sáu tháng đầu năm toàn huyện kết nạp 61 đảng viên; xét công nhận Đảng viên chính thức cho 68 đồng chí; phát thẻ đảng cho 74 đồng chí; xóa tên trong danh sách Đảng viên 22 đồng chí; đưa ra khỏi đảng 09 đồng chí; chuyển sinh hoạt đảng cho 176 đồng chí; thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 21 trường hợp quy hoạch nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy. Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng đảng; thực hiện điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử: 25 đồng chí; miễn nhiệm 01 đồng chí, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở: 01 đồng chí thực hiện chuyển giao Đảng bộ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về trực thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương. Chỉ đạo 6 xã tiến hành thành lập chi bộ trạm y tế trực thuộc Đảng ủy xã.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được chú trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai cuộc kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với Đảng ủy, đồng chí Bí thư đảng uỷ một số xã trực thuộc Đảng bộ huyện. Cấp ủy hai cấp đã xây dựng 54 cuộc kiểm tra, 45 cuộc giám sát năm 2023. Kết quả thực hiện được 28/54 cuộc kiểm tra (đạt 51,9% so với kế hoạch, tăng 16,67% so với cùng kỳ năm 2022); 20/43 cuộc giám sát (đạt 46,5% so với kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022). Cuộc giám sát của Huyện ủy thực hiện Quý III/2023 theo chương trình đã xây dựng. Hoàn thành cuộc xác minh TSTN năm 2022 đối với 38 đồng chí diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Việc xem xét thi hành kỷ luật đảng được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, khách quan, có hiệu quả.
Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại được thực hiện kịp thời, triệt để ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng vượt cấp.
Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân cơ bản ổn định, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện hoạt động cơ bản ổn định, đúng pháp luật, đoàn kết lương giáo được giữ vững.
2- Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính
Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện và cơ sở có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2023; tập trung nâng cao chất lượng công tác giám sát của các Ban; công tác tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, xỷ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường chỉ đạo thực hiện. Ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch cải cách hành chính, Kế hoạch công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”.
3- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; phát động, quyên góp, trích quỹ tặng quà cho đoàn viên, hội -viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết; tổ chức thăm hỏi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Hoàn thành tổ chức Đại hội Hội nông dân cấp huyện và cơ sở và chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Công đoàn huyện nhiệm kỳ 2023 – 2028.
II- Phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
1- Về phát triển kinh tế
Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm (giá so sánh 2010) ước đạt 14.513,830 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm 2022 trong đó: Khu vực Nông, Lâm, Thủy sản ước đạt 2.817,49 tỷ đồng, tăng 2,11%. Khu vực CN, TTCN, XDCB ước đạt 9.193,34 tỷ đồng, tăng 9,87%. Khu vực Thương mại, Dịch vụ ước đạt 2.503 tỷ đồng, tăng 6,83%.
Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đôn đốc các xã sáp nhập hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo các xã Thụy Dân, Thái Thịnh, Thái Đô phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn huyện được công nhận 33 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.
Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các nút thắt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra hiện trạng lò đốt rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn, đề xuất mức kinh phí hỗ trợ xử lý rác thải năm 2023.
Tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm ước thực hiện 1.024 tỷ đồng bằng 72,5% dự toán tỉnh giao, bằng 44% dự toán huyện giao.Tổng chi Ngân sách địa phương ước thực hiện 676,344 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán năm, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2022.
2- Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Hoàn thành công tác thi tuyển sinh lớp 10 và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Tổ chức tổng kết năm học, bàn giao học sinh về địa phương quản lý.
Ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch Covid-19, công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tiếp tục được triển khai theo quy định.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền được duy trì với các hình thức phù hợp và đáp ứng nhu cầu nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với các gia đình chính sách.
3- Nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân năm 2023 bảo đảm an toàn, đúng luật. Rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ Quân sự.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, ổn định. Chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt các hoạt động đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
III- Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023
1- Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương nhất là những vấn đề dư luận quan tâm đang đặt ra ở cơ sở về xây dựng chi bộ kiểu mẫu, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, xây dựng nhà văn hóa kiểu mẫu, vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường... Tiếp tục triển khai tại các tổ chức cơ đảng. Hoàn thành bản thảo lần 1 Cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Thái Thụy 2005-2025.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác tổ chức cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và thực hiện chính sách đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Thực hiện tốt công tác nghiệp vụ Đảng viên; công tác kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên năm 2023; đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; đánh giá, phân loại công chức khối Đảng, đoàn thể huyện năm 2023; xét duyệt, công nhận “Chi bộ kiểu mẫu” và tổ chức tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023.
Lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023; Tăng cường nắm tình hình, làm tốt công tác tiếp công dân, đảng viên và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có). Tổng kết công tác kiểm tra giám sát năm 2023, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy năm 2024.
Tiếp tục nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của huyện năm 2023. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành. Kiểm tra công tác Cải cách thủ tục hành chính, hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện và bộ phận một cửa tại UBND các xã, thị trấn.
Tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng Nhân dân, phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tích cực vận động nhân dân thi đua học tập, lao động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Công đoàn cấp huyện nhiệm kỳ 2023-2028.
II- Phát triển kinh tế - xã hội
1- Về phát triển kinh tế
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo và không theo quy định (IUU). Tập trung chỉ đạo các xã Thụy Dân, Thái Thịnh, Thái Đô hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu phát triển, chuẩn hóa 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách trên địa bàn, khai thác các nguồn thu còn dư địa, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí.
2- Về văn hóa - xã hội
Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị trong 6 tháng cuối năm 2023. Tổ chức nghiệm thu và công nhận nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu tại các xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng dịch. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023).
3- Công tác Quốc phòng - An ninh
Tiếp tục duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ năm 2023. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tập trung triển khai có hiệu quả đợt cao điểm cấp, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử, đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Văn phòng Huyện ủy
THÔNG TIN THAM KHẢO
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CỐT LÕI TRONG TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Tháng 2/2023, Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách được kết cấu làm 3 phần, với hơn 633 trang.
Phần thứ nhất mang tiêu đề “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, gồm bài viết tổng quan; 4 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022.
Phần thứ nhất tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Phần thứ hai có tiêu đề “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; với thông điệp chính là “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.
Phần thứ ba với tiêu đề “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Phần thứ ba khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.
Sự kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực chỉ trong 10 năm vừa qua của chúng ta đã làm cho không ít người lo lắng, hốt hoảng mà nói rằng, sợ “đang làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!). Có đúng như thế không? Thậm chí khiến cho lắm người cả trong nước lẫn hải ngoại la lối: “Đó là sự thanh trừng nội bộ, đấu đá phe phái”(!), là cách “triệt hạ lẫn nhau, gây bè kéo cánh lợi ích nhóm”(!). Không ít người rắp mưu đánh tráo việc chống tham nhũng với thanh trừng phe phái, nguy hiểm hơn, họ tung lên: “thể chế một đảng nên không thể chống được tham nhũng, tiêu cực” (!)... Có đúng như thế không?
1- Tham nhũng- mầm họa sinh tử, thành bại đối với bất cứ chế độ nào
Vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim. Kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia dân tộc phát triển từa xưa tới nay xác tín: Không có bất cứ một thể chế nào, quốc gia dân tộc nào tuyệt đối không có tham nhũng; không có một sự thịnh vượng hay phát triển nào ở bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, nếu không phòng, chống tham nhũng một cách kiên quyết và hiệu quả.
Nhìn sang phía Đông hay nhìn tới phương Tây, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, được các quốc gia, dân tộc xem trọng đặc biệt. Từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a tới I-ta-li-a, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... không quốc gia nào dám khinh suất trọng sự chết người này. Và, vì thế, rất nhiều quốc gia, dân tộc đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng quan trọng đến mức không thể đứng sau, trong các đại sự chính trị.
Với chúng ta, việc nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược luôn gắn chặt với việc chống tham nhũng thế nào và tới đâu. Đây luôn là nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của các triều đại, thước đo sự liêm sỉ của kẻ làm quan và sự thanh hay trọc của chốn quan trường.
Cách nay hơn 250 năm, chuyện “ngũ họa” quốc vong mà tiền nhân tổng kết, cảnh báo khuyên răn có 5 nguy cơ làm mất nước: Một là, trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; năm là, sĩ phu ngoảnh mặt. Lời tiên báo ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn. Chỉ phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, thì đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà táng thất! Vì thế, từ kinh nghiệm lịch sử có thể nói, phòng, chống tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa sinh tử, mất còn của thể chế, của quốc gia - dân tộc chúng ta! Không phòng, chống tham nhũng thì tất quốc gia không thể ngẩng mặt lên với hoàn cầu; không tự mình bại vong thì cũng có ngày do nó mà mất nước, tất tới lúc dân tộc do nó không bị bị lâm vào nô lệ thì cũng tự mình sa vào chỗ tự diệt vong. “Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển đất nước” (Đại hội XI), “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII)… “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Đặc biệt hiện nay, việc thực thi đại cuộc chiến phòng, chống tham nhũng thực sự là cuộc chiến sinh tử; là cuộc chiến kép vừa chống đạo (ăn cắp), tặc (giặc giã bao hàm giặc ngoại xâm và ở đây là giặc nội xâm) vừa chống tiêu cực, tha hóa và hủ bại nên càng cấp bách và sinh tử!
2- Tham nhũng là gì, như thế nào và những ai tham nhũng?
Ngày 26-1-1946, trong Quốc lệnh, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành, Người ghi rõ, tại Điều 8 của phần Phạt: “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Vi, “Tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”,“giặc nội xâm” . Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ thứ ba: Tham nhũng và tệ quan liêu ở tầm mức quốc nạn, “một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Nay, không dừng là nguy cơ nữa mà đang là quốc nạn. “Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt vè vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới”. Vì, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn ăn cắp đủ thứ, đủ quy mô và mức độ của công nguy hơn chuột đào chân tường; sóng xô đê vỡ; nhất là nạn “đạo vị”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 74 năm trước là “trộm cắp địa vị” đủ mánh lới có nguy cơ hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít chốn công quyền... khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa gần”. Ăn cắp của công, ăn trộm chức vụ, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm băng hoại cá nhân mà còn có nguy cơ làm tan tành thể chế.
“Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng…; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng quyền hạn đó vì vụ lợi... Về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”.. Có thể nói khái lược, tham nhũng là trộm cắp của công (tiền bạc, vật chất, chức vụ…) làm của cá nhân, của phe nhóm, tức là nạn đạo và có thể hình dung tối thiểu gồm 5 dạng trộm cắp:
Một là, Đạo chích: Đó là thói ăn cắp vặt, kẻ trộm trong làng xã, cơ quan, cộng đồng. Hở ra là trộm, ở nơi thôn dã, phố phường hay ở chốn công đường,... Nó làm cho cộng đồng bất an, cơ quan nặng nề, đơn vị u uất... vì bực mình, rồi nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau. Khi người ta giữ chức bé mà ăn cắp quả táo, lúc giữ quyền lớn hơn, ai dám chắc người ta không có gan dắt trộm cả con bò của người khác?
Hai là, Đạo vật: Chính là tệ trộm cắp, tham nhũng vật chất, tiền bạc.... Nó đục khoét của công, biển thủ quốc khố, bòn rút mồ hôi, xương máu Nhân dân để bỏ túi cá nhân, bành trướng dòng họ, khiến muôn dân bị xâm hại, quốc gia khánh kiệt, quốc thể chênh vênh, xã hội rối ren, thể chế nguy cơ tan tành. Cách nay 250 năm, Bảng nhãn Lê Quý Đôn cảnh báo rằng, trong năm nguy cơ làm mất nước, thì nguy cơ “tham nhũng tràn lan” kia, không thể không đứng hàng thứ tư đó sao! Quan lại càng giàu nhanh một cách khuất tất, trăm họ càng mau lầm than, rên xiết, đất nước càng chóng suy mạt, bại vong. Nó nguy hiểm hơn cả nạn giặc ngoại xâm.Nếu xem tiền bạc quốc khố là máu của Nhân dân, của Nhà nước, những người ấy hút máu Nhân dân, rút máu Nhà nước, thì hỏi có việc gì họ không dám cả gan làm?
Ba là, Đạo danh: Đó là nạn biển thủ tên tuổi, công trình của người khác làm của mình: đạo văn, đạo nhạc... Rồi tệ mua bán bằng cấp, học vị, học hàm... Rộng ta là ăn cắp tri thức, danh tiếng, công trình khoa học... để để chui sâu vào bộ máy, leo cao những phẩm trật quan trường một cách tăm tối và ô nhục. Lúc sự dối trá, giả hiệu lộng hành thì là khắc sự trung thực, ngay ngắn bị tiêu diệt! Nó làm cho thật giả hỗn mang, trắng đen lẫn lộn, nhân phẩm suy đồi, lòng tin bại hoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp”. Tới mức nào đó, tệ ăn cắp đó khiến cho những bậc hiền nhân, thức giả khó còn chỗ hành đạo, thậm chí không còn chỗ dung thân… Khi người ta đã cả gan đạo danh thì thử hỏi còn gì trên đời này họ không dám ăn cắp…
Bốn là, Đạo vị: Đây là sự trộm cắp chức vụ trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước và của hệ thống chính trị. Nhân dân và chúng ta thì gọi là, tham nhũng quyền lực. Nhớ lại tháng 6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”. Từ “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” “lẻn” vào chốn quan trường, rồi mua phiếu bán danh, trộm cắp chức vụ bằng mọi quỷ kế. Khi các “chính trị gia” bắt tay một cách tăm tối với các doanh nhân thì nền chính trị không hủ bại, chính trường không bị “dắt mũi” mới là chuyện lạ! Từ dùng tiền để “cuỗm” quyền lực chính trị, rồi dùng chính trị để “cướp” lấy quyền lực kinh tế, lại dùng kinh tế để chui sâu leo cao vào chính trường, rắp đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn. Thì không nghi ngờ gì nữa, nó tác họa muôn dân, băm nhỏ lợi ích quốc gia, trộm cắp từng mảnh chính trị, kinh tế đất nước và lũng đoạn thể chế quốc gia. Nói gọn lại là, từ sở hữu quyền lực tới trộm cắp chức vụ hay đạo vị, buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dìm người tài đức để giữ địa vị và danh tiếng của mình, chính là tội trộm cắp”. Nó “nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám”. Nó làm cho nhân quần ly tán, nền chính trị rối loạn, thể chế suy đồi, quốc gia hỗn mang, đất nước tan vỡ, thậm chí diệt vong hoặc làm nô lệ cho giặc ngoại bang. Mua quan bán tước, buôn bán quyền lực dẫn tới nạn hoặc nhỏ thì “anh hùng nhất khoảnh”, lớn thì “cát cứ sứ quân”, “dòng họ hoành hành”, thậm chí cả sự ô nhục bán nước cầu vinh chỉ là bước “tự chuyển hóa” rất ngắn, thậm chí trong gang tấc mà thôi! Lịch sử cho thấy không ít sự nhãn tiền sinh tử ấy.
Rường mối của thể chế mà những người này không từ thì ai dám quả quyết rằng, sẽ tới ngày họ không cả gan làm loạn và sứ mạng quốc gia dù vô giá đến mấy kia trong tay họ không thành thứ hàng hóa đổi chác, bán mua?
Năm là, Đạo tâm: Đó chính là nạn ăn cắp lòng tin. Nói mà không làm, làm ngược nhời nói. Trên diễn đàn thì, rao giảng đạo lý, dạy dỗ chính liêm, nơi chính sự thì ức vạn tối tăm, phè phỡn phù hoa, xa xỉ... Người không biết xấu hổ thì không ra giống người! Nó khiến muôn Dân ai còn dám tin cậy được nữa! Nếu không nói nó khiến trăm họ oán thán, nổi giận! “Khẩu Phật tâm xà”, “Miệng rao đạo lý, tay thì đạo vị, tay lấp nhân tâm” thì sự còn, mất quốc gia, chỉ tính bằng ngày! Thế là đạo đức giả lộng hành! Khi lòng tin của con người với nhau, với thể chế đã bị đánh cắp thì xã tắc không bị suy tàn, quốc gia không bị tan hoang và mất hết mới là chuyện lạ! Những ai tham nhũng…
(còn nữa)
Ban Biên tập Bản tin nội bộ