Bản tin nội bộ tháng 6/2023
ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
THÁNG 6/2023
1- Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; tình hình triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện trên mọi lĩnh vực ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
2- Tiếp tục tuyên truyền công tác thu hoạch lúa Chiêm Xuân và các loại cây hoa màu; tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng chi bộ kiểu mẫu; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè; công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.
3- Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị như: Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6; 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2023); 75 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua, ái quốc (11/6/1948-11/6/2023); 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023); ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6; ngày gia đình Việt Nam 28/6; ngày môi trường thế giới 05/6…
4- Tiếp tục tuyên truyền nội dung cốt lõi cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” gắn với tuyên truyền kết quả triển khai Chuyên đề năm 2023 “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh”.
5- Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, lợi dụng vấn đề Biển Đông, lợi dụng cuộc xung đột Nga-Ukraina để liên hệ, tuyên truyền xuyên tạc, kích động biểu tình, chống phá đường lối đối ngoại của Đảng, chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước khu vực và thế giới.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC, 5/6/1911.
Hướng đến kỷ niệm 112 năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, (05/6/1911 – 05/6/2023).
Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị lên đất nước Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tình thế đất nước đen tối tưởng chừng không có đường ra. Việt Nam, từ một quốc gia phong kiến độc lập trở thành một thuộc địa nửa phong kiến. Suốt gần một thế kỷ bị đô hộ, nhiều phong trào yêu nước, chống Pháp với nhiều khuynh hướng tư tưởng, chính trị khác nhau liên tiếp nổ ra, nhưng cuối cùng đều thất bại cả về đường lối cứu nước và người lãnh đạo
Giải phóng đất nước bằng cách nào? Đó là một câu hỏi lớn của lịch sử dân tộc, ai giải đáp được câu hỏi lớn đó trong lý luận và thực tiễn sẽ là anh hùng dân tộc cứu đất nước khỏi hoạ diệt vong.
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành được sinh ra tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước với nhiều nhân tài và anh hùng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Phan Bội Châu…Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc, đỗ Phó bảng- một vị túc nho, thông kim, bác cổ- trí thức yêu nước, thương nòi…đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng nhân cách Hồ Chí Minh thủơ thiếu thời. Sớm có tinh thần yêu nước, từ năm 15 tuổi, Người đã tham gia công tác bí mật, làm liên lạc cho các chiến sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; năm 1908, Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ; năm 1910, Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, được phân công giảng dạy môn thể dục, Người đã tranh thủ tối đa thời gian để cổ vũ tinh thần yêu nước cho học sinh nơi đây.
Đặc biệt, Người luôn thâu thái, suy nghẫm và trăn trở về sự thất bại của các phong trào cách mạng thời gian này. Tuy khâm phục, nhưng không tán thành đường lối cứu nước cũ của các vị tiền bối cách mạng. Do vậy, khi trưởng thành, người thanh niên Nguyễn Tất Thành muốn tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau sức mạnh của kẻ thù, đồng thời muốn học hỏi kinh nghiệm cách mạng trên thế giới để rồi người thanh niên ấy quyết định sang phương Tây trong cuộc hành trình bôn ba 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Với mục đích rõ ràng là ra đi để xem người khác làm rồi trở về giúp đồng bào. Mùa thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, đến ngày 3-6-1911, Người mới xin được làm phụ bếp trên tàu La Touche Tréville với tên gọi Nguyễn Văn Ba. Ngày 05-6-1911, tàu nhổ neo mang theo hoài bão đi tìm con đường cứu nước của người thanh niên Việt Nam vừa tròn 21 tuổi. Từ đó Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Aí Quốc trở thành người vô sản, làm bất cứ việc gì để sinh sống, đi hầu hết khắp các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi để tìm hiểu. Bôn ba gần 10 năm, mãi đến khi Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, được đọc bản sơ thảo “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc mới tìm được “Cái cần thiết cho đồng bào chúng ta hoàn toàn giải phóng”, “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tổ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Từ chủ nghĩa yêu nước Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác Lê-nin. Đây là bước ngoặt quan trọng trên con đường cách mạng cứu dân cứu nước của Bác, đã mở ra một thời kỳ mới đưa cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba bão táp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ban biên tập bản tin nội bộ
TRƯỞNG ĐÀI TRUYỀN THANH XÃ TÂN HỌC, TẬN TỤY, CHUYÊN TÂM VỚI CÔNG VIỆC TUYÊN TRUYỀN CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VÀ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giầu truyền thống cách mạng anh hùng xã Tân Học; anh Phạm Mạnh Thường- Trưởng đài truyền thanh xã luôn ý thức sâu sắc tinh thần yêu nước, thương nòi trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Vì thế, sau 4 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh chuyển ngành làm nghề xây dựng tại ti xây dựng tỉnh Thái Bình và xí nghiệp xây lắp huyện. Sau khi nghỉ hưu năm 1992, đến năm 2016 trở về địa phương, anh tham gia hoạt động đài truyền thanh cơ sở. Từ đó đến nay, anh vẫn giữ cốt cách người lính bộ đội cụ Hồ, luôn nhiệt tình xông xáo trong mọi nhiệm vụ. Trước đây, khi chưa sáp nhập đơn vị hành chính giữa xã Thái Tân và xã Tân Học; đảm nhận công việc truyền thanh của một xã không có gì băn khoăn, vướng mắc, nhưng kể từ khi xã Tân Học được thành lập, địa dư hành chính rộng, việc quản lý khai thác hệ thống truyền thanh có dây lẫn không dây, cộng với với một người chưa tiếp cận nhiều lĩnh vực biên tập tin, bài và phát thanh như anh, nhiều lúc anh cảm thấy gặp nhiều bộn bề khó khăn, thách thức. Song bằng ý chí nghị lực của người lính và tinh thần ham học hỏi, tận tâm, tận lực với nghề; từ chỗ viết tin chưa thuần thục, phải chỉnh sửa nhiều lần, đến nay anh Thường đã tự mình viết rất nhiều tin bài, gương người tốt việc tốt, phản ánh chân thực sinh động các mặt đời sống – kinh tế- xã hội ở địa phương, được người dân ghi nhận, đánh giá cao; anh Thường trải lòng: “Được sự quan tâm của đảng ủy UBND xã, Đài truyền thanh xã cũng rất cố gắng trong điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của từng cá nhân, bản thân luôn tập trung nâng cao chất lượng của Đài, đảm bảo sao cho chương trình phát thanh luôn thông xuốt, nội dung súc tích đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong tuần, Đài sản xuất 2 chương trình gốc; riêng đối với bản tin ở địa phương; chúng tôi cố gắng tập trung xây dựng các chương trình trong ngày không để thiếu, để trống; ngày nào Đài cũng biên tập, phát thanh một chương trình phục vụ bà con Nhân dân, bà con cũng rất tin tưởng nội dung của Đài phát thanh; hôm nào không có chương trình, Nhân dân gọi điện lên hỏi han, thắc mắc…Chính vì thế, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nghe được lời phản ánh của Nhân dân về nội dung, chất lượng của chương trình Đài phát thanh xã Tân Học, làm động lực để Đài cố gắng hơn trong thực hiện nhiệm vụ”.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất trong hoạt động Đài truyền thanh xã Tân Học là: Địa dư hành chính rộng mà chỉ có hai đồng chí trong tổ đài, một phát thanh viên nữ, không thể leo trèo cột kiểm tra loa và các cụm thu phát, hỏng hóc hay sự cố xảy ra; vì vậy, công việc vất vả trên đều một mình anh Thường đảm nhận. Trong khi đó, bản thân kiêm rất nhiều công việc, vừa trưởng đài vừa viết tin bài, làm kỹ thuật, nhưng anh Thường chưa để gián đoạn hay thiếu sót một chương trình phát thanh nào của địa phương. Để nâng cao chất lượng biên tập, phát thanh, anh thường xuyên đổi mới, học hỏi cách viết từ đồng nghiệp, chỉ dẫn của cấp ủy chính quyền địa phương để tuyên truyền định hướng tới người dân nhanh và kịp thời. Hiện nay, mỗi tuần anh Thường soạn thảo 2 chương trình gốc, thời lượng từ 15 phút trở lên, trong chương trình có từ 5- 6 tin bài- gương người tốt việc tốt, xen kẽ các tin, bài anh đưa những bài thơ, động viên ca ngợi thành tích quê hương để chương trình phát thanh thêm sinh động. Mặc dù, chưa xây dựng được các chuyên mục phát thanh cụ thể, nhưng các tin, bài phát thanh hằng ngày, anh đều phản ánh đa dạng nhiều chiều; tổng hợp các sự kiện tin tức, pháp luật, khoa học. Đặc biệt, mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị hay ngày lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc và của địa phương, anh Thường tự đổi mới chương trình, tạo hiệu ứng thu hút thính giả nghe đài bằng cách chèn các bài hát phù hợp.
Không chỉ duy trì phát sóng các chương trình địa phương, anh Thường còn tham mưu với UBND xã và các ngành đoàn thể cơ sở tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lưu động tại ở thôn- xóm về phòng chống đại dịch Covid 19; phối hợp cùng các tổ an ninh, công an xã tuyên truyền phòng chống lấn chiếm vỉa hè, tham gia giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông... góp phần giữ ổn định trật tự toàn giao thông trên các tuyến đường.
Ngoài nhiệm vụ là Trưởng Đài truyền thanh xã, anh Thường còn kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch hội CCB xã, đòi hỏi nhiều thời gian công sức đầu tư trong công việc. Song anh không nề hà, việc gì giao cũng cố gắng hoàn thành với chất lượng cao nhất, đảm bảo tiến độ, thời gian…đúng như đồng chí Bùi Văn Muôn- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Học nhận xét: “Đồng chí Thường là đồng chí trách nhiệm nhiệt tình, góp phần tích cực đưa hoạt động Đài truyền thanh xã đi vào nề nếp- hiệu quả; nội dung chương trình luôn đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023”.
Ghi nhận thành tích đóng góp trong công tác phát thanh, truyền thanh cơ sở; Đài xã Tân Học và bản thân anh Thường nhiều năm được các cấp, các ngành từ huyện đến xã biểu dương, tôn vinh, khen thưởng; trong đó 2 năm anh Thường được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bùi Thủy - Đài TT-TH huyện
TIN TRONG HUYỆN
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG NĂM 2023
Chiều ngày 12-5-2023, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác Dân vận của Đảng cho các đồng chí: Phó Bí thư Đảng ủy, cán bộ Văn phòng Đảng ủy; Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố; Bí thư Chi bộ được lựa chọn xây dựng mô hình Chi bộ kiểu mẫu năm 2023 trên địa bàn huyện (theo Thông báo Kết luận số 743-TB/HU, ngày 12-4-2-23 của Ban Thường vụ Huyện ủy).
Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức xây dựng Đảng và công tác Dân vận của Đảng năm 2023, được tổ chức trong 01 ngày 13-5-2023. Đến dự Hội nghị và trực tiếp truyền đạt các chuyên đề có đồng chí: Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Trường, trưởng phòng tổ chức đảng – đảng viên, Ban Tổ chức Huyện ủy và đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy; cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Ban Tổ chức, Ban Dân vận Huyện ủy, Trung tâm chính trị huyện.
Tại Hội nghị, 374 đại biểu được nghe truyền đạt các chuyên đề: Nội dung và các giải pháp xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu năm 2023; cập nhật những văn bản mới và nghiệp vụ công tác Tổ chức xây dựng đảng và công tác dân vận của đảng; giải pháp và những kỹ năng vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; kỹ năng xây dựng mô hình Dân vận khéo… Thông qua Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác Dân vận của Đảng giúp các đại biểu được cập nhật nội dung những văn bản mới của công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác dân vận của đảng và hệ thống chính trị; nắm được chủ trương chính sách, giải pháp trong vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh nghiệm và cách làm hay trong triển khai và thực hiện ở các địa phương; kỹ năng thực hiện công tác Dân vận và xây dựng mô hình "Dân vận khéo"; hiểu rõ nội dung, cách thức xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình chi bộ kiểu mẫu như công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ, các bước sinh hoạt chi bộ, nội dung sinh hoạt chi bộ, việc nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết hoặc kết luận; việc triển khai các tiêu chí thực hiện mô hình chi bộ kiểu mẫu “5 tốt” đồng thời nhấn mạnh thực hiện một số nội dung, yêu cầu đặc thù với tính chất nhiệm vụ chính trị, đặc điểm đội ngũ đảng viên trong mỗi loại hình chi bộ để phát huy thế mạnh, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu bám sát nội dung, chủ đề được lựa chọn nhằm đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng hoạt động của chi bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt nhất Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Qua đó nhằm phát huy vai trò của các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các bước thực hiện đối với xây dựng Chi bộ kiểu mẫu ở cơ sở; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa công tác vận động và tổ chức sâu, rộng các phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là công tác xã hội hóa xây dựng Nhà văn hóa thôn kiểu mẫu, phong trào thắp sáng đường quê, trồng hoa cây cảnh thay thế cỏ dại, công tác tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở tổ dân phố, khu dân cư…góp phần cùng với địa phương hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ban Tổ chức- Ban Dân vận Huyện ủy
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN TỔ CHỨC GIÁM SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10, 11 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHẤN CHỈNH, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Từ ngày 27-4-2023 đến nay đoàn giám sát của HĐND huyện do đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Chí Hướng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện- Phó trưởng đoàn; tham gia đoàn giám sát huyện còn có các đồng chí Trưởng ban, phó trưởng ban pháp chế, kinh tế- xã hội HĐND huyện và trưởng, phó phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể huyện…đã trực tiếp giám sát tại các xã gồm Thụy Trường, Thụy Thanh, Thụy Ninh và Thụy Trình, Thụy Chính và Thái Xuyên. Tại các buổi giám sát, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong công tác quản lý đất đai, việc phổ biến, giáo dục pháp luật và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phân công cán bộ theo dõi nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm theo thẩm quyền, việc chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng đất đai...
Qua giám sát, nhìn chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy-chính quyền các địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt. Công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chú trọng, chất lượng từng bước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính được quan tâm. Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản thực hiện theo trình tự, thủ tục. Việc đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến đất đai đã góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, qua đánh giá của đoàn giám sát HĐND huyện, bước đầu cho thấy cấp ủy chính quyền các xã vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, thiếu xót trong công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương thời gian qua. Tại cuộc giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế của các địa phương để khắc phục.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, đoàn giám sát HĐND huyện tiếp tục giám sát tại các xã, thị trấn về kết quả thực hiện chỉ thị số 10,11 của UBND tỉnh trong công tác chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đất trên địa bàn; qua đó phát hiện những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai; đồng thời các địa phương tập trung tuyên truyền thực hiện tốt ý thức chấp hành pháp luật về đất đai; rà soát lại toàn bộ những tồn tại thời gian qua để có quy trình xử lý; từng bước tháo gỡ những khó khăn, nắm bắt phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp biểu hiện ban đầu lợi dụng chuyển đổi mục đích hoặc lấn chiếm trái phép trong quá trình sử dụng đất để đảm bảo mọi loại đất trên địa bàn thực hiện theo quy định của nhà nước…góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Hồ Hiền, Đài truyền thanh - Truyền hình huyện
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC, XÓA MÙ CHỮ TẠI HUYỆN THÁI THỤY
Ngày 08-5-2023, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Tiến sĩ Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm
trưởng đoàn (theo Quyết định số 863/QĐ-BGDĐT, ngày 22-3-2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Thái Thụy; tham dự đoàn công tác, có đồng chí Đặng Xuân Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình. Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ giáo dục và đào tạo (sau đây viết tắt là đoàn công tác của Bộ) có đồng chí Nguyễn Đức Trọng - Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện; các thành viên Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ huyện; lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo; đại diện Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và cán bộ phụ trách công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Thay mặt Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ huyện, đồng chí Đỗ Trường Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện báo cáo tóm tắt kết quả triển khai công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện Thái Thuỵ: Theo đó, năm 2022, toàn huyện huy động trẻ em 5 tuổi đến trường, đạt 100%, trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm đạt 100%; tỉ lệ trẻ em 6 tuổi vào học lớp 01 đạt 100%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 98,33%; tổng số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp Trung học cơ sở là 12423 học sinh, đạt 99,6%; tổng số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi đã tốt nghiệp Trung học cơ sở đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc GDNN- GDTX là 12.073 học sinh, đạt tỉ lệ 96 %.
Tại cuộc kiểm tra, Đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp kiểm tra xác suất các loại hồ sơ về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của một số xã, thị trấn; kiểm tra thực tế tại Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và 4 hộ dân ở xã Thái Thượng, xã Thụy Liên. Đối chiếu với các tiêu chuẩn Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24-3-2014 của Chính phủ, Đoàn công tác của Bộ đánh giá huyện Thái Thụy đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ Mầm non 5 tuổi; Tiểu học mức độ 3, THCS đạt mức độ 3 và xóa mù chữ đạt mức độ 2. Về hồ sơ, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đầy đủ, đảm bảo khoa học, đúng quy định.
Phát biểu kết luận tại cuộc kiểm tra, Tiến sĩ Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn huyện Thái Thụy thời gian qua, đồng thời đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Thái Thuỵ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ để duy trì, giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS, công tác xóa mù chữ trong thời gian tới; tích cực đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường, lớp học, đầu tư tốt hơn nữa nguồn nhân lực phục vụ trong ngành giáo dục cũng như quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập ở các nhà trường trên địa bàn huyện.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Đoàn công tác của Bộ, đồng thời khẳng định, huyện Thái Thuỵ luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục nói chung và công tác giáo dục phổ cập, xóa mù chữ nói riêng. Đồng chí cũng khẳng định, có được kết quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, sự đồng hành của các xã, thị trấn, đặc biệt thường xuyên có sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, Tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn và tạo nền tảng vững chắc, là tiền đề quan trọng để nâng cao dân trí ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong tình hình hiện nay.
Vũ Văn Chí -Chuyên viên Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện
PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HUYỆN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÔNG TÁC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 13 TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI.
Sáng ngày 12-5-2023 tại Trung tâm hội nghị huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức Hội nghị tập huấn công tác triển khai, thực hiện Tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP tới các đại biểu là Chủ tịch UBND, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ phụ trách tổng hợp xây dựng nông thôn mới cấp xã. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Lê Nguyên Hoài – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Huyện Thái Thụy hiện có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu toàn huyện có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đáp ứng với Bộ tiêu chí mới của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thời gian qua Huyện ủy – Hội đồng Nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và các xã tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện những tiểu mục theo đúng quy định. Đặc biệt đối với Tiêu chí số 13 – Tiêu chí được đánh giá là rất khó thực hiện ở cả 02 giai đoạn, cần bổ sung một số tiểu mục như: Có vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, có sản phẩm OCOP, có tổ khuyến nông cộng đồng...
Tại Hội nghị tập huấn, sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Thành Đồng – Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các đại biểu được nghe đại diện đơn vị tư vấn xây dựng nông thôn mới giới thiệu nội dung chuyên đề về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025; trong đó nhấn mạnh Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; mục tiêu của chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương. Có thể nói, Bộ tiêu chí mới thêm các chỉ tiêu nhằm đáp ứng, giải quyết những yêu cầu thực tiễn, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt nhịp với nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay như: Việc xây dựng vùng nguyên liệu, nông sản, sản phẩm chủ lực của địa phương phải gắn với các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, có truy gốc nguồn gốc. Đây là những điều kiện nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu. Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, giải pháp thiết thực khắc phục khó khăn, vướng mắc khi triển khai nông thôn mới ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Nguyên Hoài – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Trên cơ sở cập nhật những kiến thức mới liên quan đến xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới, đề nghị các đại biểu nghiêm túc tập trung nghiên cứu tiếp thu. Từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này tại địa phương, góp phần cùng huyện phấn đấu đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025 đã đề ra”.
Lê Lan- Đài truyền thanh - truyền hình huyện
ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH HUYỆN TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HÈ CHO THANH, THIẾU NHI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Thực hiện Chương trình Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023; căn cứ Kế hoạch số 28-KH/TĐTN-BPT ngày 28-4-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thái Bình về việc tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2023; ngày 10-5-2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã ban hành Kế hoạch số 13-KH/ĐTN triển khai tổ chức các hoạt động hè năm 2023 triển khai đến các cơ sở Đoàn trong huyện. Theo đó, hoạt động hè được xác định có 2 nhiệm vụ trọng tâm lớn, gồm: Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và hoạt động hè an toàn, bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023 được triển khai từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023, bao gồm 01 Chương trình “Tiếp sức mùa thi” và 04 chiến dịch tình nguyện, đó là: Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh. Điểm nhấn của chiến dịch là Chương trình Tiếp sức mùa thi từ ngày 29/5 đến ngày 04-6-2023 với 2 đợt tiếp sức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 – 2024 và kỳ thi THPT Quốc gia năm 2023. Bên cạnh đó Đoàn huyện và Đoàn các cấp tập trung đẩy mạnh các hoạt động ngày Chủ nhật xanh; ra quân vệ sinh và trồng cây tại các xã biên giới biển; trao tặng các công trình sân chơi và công trình nhà vệ sinh cho em; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; phối hợp lực lượng Công an và các ban ngành đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử VNEID mức độ 1,2 đảm bảo theo chỉ tiêu huyện giao. Tổ chức tiếp nhận các đoàn sinh viên tình nguyện về hoạt động trên địa bàn; củng cố và kiện toàn đội hình thanh niên tình nguyện đảm bảo ANTT, ATGT và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện và cấp cơ sở.
Để đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động hè trên địa bàn dân cư cho các em đội viên, thiếu niên; Đoàn Thanh niên huyện đã chỉ đạo tới 100% Đoàn – Đội xã, thị trấn đồng loạt tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư sau khi kết thúc năm học; đã phối hợp với trung tâm thanh thiếu niên tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho trưởng ban Thiếu niên, Nhi đồng của xã, thị trấn vào ngày 9- 10/5/2023; chỉ đạo các cơ sở Đoàn tham mưu thành lập Ban chỉ đạo hoạt động hè, xây dựng kế hoạch hoạt động hè; mở các CLB: Bơi, võ thuật, CLB đọc sách, các hoạt động vui chơi, múa hát tập thể, hội trại, giải bóng đá Thiếu niên, Nhi đồng, tặng quà cho Thiếu nhi nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 01-6-2023 và Tết Trung thu 15-8-2023 âm lịch…; Chỉ đạo Đoàn thanh niên Công an huyện tăng cường phối hợp Đoàn thanh niên xã, thị trấn tập huấn các kỹ năng phòng chống cháy nổ, tai nạn thương tích và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ huyện nhà, hoạt động hè năm 2023 sẽ mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, thiết thực, góp phần tạo môi trường lành mạnh giúp cho Thanh, Thiếu nhi trong toàn huyện có một mùa hè vui tươi, bổ ích và an toàn, góp sức trẻ xây dựng nông thôn mới.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện
THÔNG TIN THAM KHẢO
CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VIỆT NAM
Có thể khẳng định, đến nay, Việt Nam đã bốn lần công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó thể hiện rõ mục tiêu: Tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận một cách vô căn cứ. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Những năm qua, cùng với quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó nêu rõ chủ trương “Bốn không”, thể hiện rõ sự công khai, minh bạch tính chất của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; phương châm nhất quán là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin của các quốc gia khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch đã không từ thủ đoạn nào để công kích, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ cho rằng, chính sách quốc phòng nói chung, chủ trương “bốn không” của Đảng, Nhà nước ta nói riêng đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực Biển Đông, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc,...
Rõ ràng, những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của Việt Nam. Bởi, quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.
Trên thực tế, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng chính sách quốc phòng đã đề ra, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 510 lượt cán bộ, nhân viên với 03 lượt bệnh viện dã chiến và Đội Công binh số 1 đến thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên Hợp quốc, được Liên Hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo uy tín, vị thế, đưa Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu bầu rất cao (192/193 phiếu tán thành). Đây là minh chứng thể hiện rõ mong muốn, thiện chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong thực thi chính sách quốc phòng mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, sự xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và làm rõ tính đúng đắn của chính sách quốc phòng Việt Nam hiện nay. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo; trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền về quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, chính thống về hoạt động quân sự, quốc phòng. Không ngừng củng cố lòng tin của các quốc gia về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, nhất là lực lượng nòng cốt, chuyên sâu ở các cơ quan, đơn vị để hình thành mạng lưới sâu rộng, hùng hậu tham gia đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc: Vấn đề tiên quyết đối với nước ta hiện nay là phải: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống luật pháp của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đòi đa nguyên, đa đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.
Ba là, làm rõ chủ trương huy động mọi nguồn lực, tăng cường sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương tăng cường sức mạnh quốc phòng phải dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Đồng thời, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc, tăng đối tác, giảm đối tượng, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc. Tích cực củng cố tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng, tăng cường tiềm lực để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội ta trên trường quốc tế.
Chính sách quốc phòng Việt Nam thể hiện rõ truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo và thiện chí của Việt Nam, không chỉ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, mà còn làm phá sản mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ban biên tập Bản tin nội bộ huyện
---------------------------