A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin nội bộ tháng 5/2023

ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

 THÁNG 5/2023

     1. Tuyên truyền kết quả triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện trong phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Tuyên truyền công tác chăm sóc, bảo vệ lúa xuân, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng chi bộ kiểu mẫu, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19; các biện pháp bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, phòng chống thiên tai; tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trên địa bàn huyện

 3. Tích cực tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2023); kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954­-07/5/2023)…

  4. Tuyên truyền sâu sắc kỷ kiệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023) 54 năm thực hiện Di chúc của Người, gắn với tuyên truyền kết quả việc triển khai, học tập Chuyên đề năm 2023; tuyên truyền kết quả Cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tìm hiểu “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

      5. Tiếp tục tuyên truyền công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin độc hại, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; phản bác các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, làm mất an ninh trật tự trong dịp Kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam.

                                  BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY                                             

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gương sáng:

CỰU CHIẾN BINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC

  Trở về cuộc sống thời bình, sau những năm tháng cống hiến cho nền độc lập tự do của dân tộc. Những người lính năm xưa vẫn luôn nêu cao tinh thần, ý chí quật cường vượt khó xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và gương mẫu tiên phong trong các phong trào ở địa phương. Một trong những tấm gương điển hình ấy là ông Phạm Đình Súy, thôn Sơn Thọ 2, xã Thái Thượng.

  Sinh năm 1950, ông Phạm Đình Súy, thôn Sơn Thọ 2, xã Thái Thượng đã trải qua 8 năm trong quân ngũ cùng đồng đội tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1971. Sau đó, ông chuyển về Sở Thủy sản Thái Bình rồi tham gia công tác tại xí nghiệp đánh cá Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Là thủy thủ của tàu 400CV ngày đêm lênh đênh trên biển khơi, vừa sản xuất, khai thác, đánh bắt thủy hải sản vừa tham gia bảo vệ nguồn dầu khí Quốc gia và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, ông Súy đã được tổng cục đường biển cấp bằng thuyền trưởng cấp Quốc gia và hưởng lương chuyên viên ngay từ những năm 1980. Về nghỉ hưu tại quê nhà xã Thái Thượng năm 1994, kể từ đó đến nay ông Súy luôn được tín nhiệm, bầu tham gia nhiều tổ chức hội đoàn thể chính trị ở địa phương. Trong đó, ông có hơn 20 năm tham gia Ban chấp hành hội Cựu chiến binh xã và hiện ông đang là Hội phó Hội Cựu chiến binh, kiêm Hội phó Hội Người cao tuổi xã Thái Thượng. Ở lĩnh vực công tác nào, ông Súy cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất cao quý của người lính cụ Hồ, nói đi đôi với làm, không quản ngại khó khăn vất vả, luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ông Súy trải lòng: “Là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi gần 2 khoá, tôi luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, phát huy bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ, tôi luôn giành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, tuyên truyền, vận động hội viên và người dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa,đảm bảo an ninh trật tự địa phương... đặc biệt tôi luôn lắng nghe và bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, luôn tiên phong, đi đầu và tham gia đầy đủ các phong trào của địa phương”.

Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Súy luôn đi sâu đi sát vào đời sống hội viên, chịu khó lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên. Từ đó, có ý kiến tham mưu, đề xuất giải quyết mọi khúc mắc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, tham mưu làm tốt công tác kiểm tra giám sát hoạt động Hội cũng như chỉ đạo các Chi hội duy trì nền nếp sinh hoạt, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, phúng viếng ... Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của ông mà Hội Cựu chiến binh xã Thái Thượng luôn hoạt động nề nếp, hiệu quả, luôn nằm trong tốp đầu của Hội Cựu chiến binh huyện và được Hội Cựu chiến binh các cấp tặng bằng khen nhiều năm liền. Năm 2022, Hội Cựu chiến binh xã được chọn làm điểm tổ chức Đại hội Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2022- 2027. Với suy nghĩ còn sức khỏe còn cống hiến nên ông Súy không nề hà trước mọi khó khăn, ở đâu có việc gì là ở đó thấy ông có mặt. Với gia đình, ông Súy luôn thể hiện vai trò người ông, người chồng, người cha mẫu mực, răn dạy con cháu điều hay lẽ phải, sống kính trên nhường dưới và có trách nhiệm với cộng đồng. Chính điều này mà bất luận khó khăn thế nào, cứ hễ địa phương hay thôn xóm phát động quyên góp ủng hộ việc gì là bản thân ông Súy và gia đình con cháu đều tham gia nhiệt tình, số tiền ủng hộ mỗi năm vài ba triệu đồng. Đặc biệt, năm nào ông Súy cũng dành ra ít nhất 1 triệu đồng để ủng hộ cho quỹ khuyến học của thôn. Ông còn tích cực vận động con cháu, người thân ủng hộ phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn kiểu mẫu với tinh thần cao nhất. Những đóng góp to lớn của ông cho phong trào của Hội và địa phương luôn được nhân dân và chính quyền ghi nhận. Nhắc tới người đồng chí của mình, ông Bùi Đình Thiệm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thái Thượng bày tỏ:”Với tôi ông Suý vừa là đồng chí, vừa là đồng đội, vừa là một người bạn tâm giao. Trong công việc luôn phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu và làm lòng cốt trong mọi phong trào của Hội. Với Hội viên luôn thể hiện tinh thần thương yêu đùm bọc, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi có khó khăn, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp sức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương”.

 Hết mình vì công việc Hội và phong trào quê hương, ông Phạm Đình Súy, Hội phó Hội Cựu chiến binh xã Thái Thượng xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào “Cựu chiến binh Thái Bình học tập và làm theo lời Bác”.

                                                                    Bùi Thủy

                                                          Đài TT-HT huyện

 

TIN TRONG HUYỆN

 

BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ CHỦ CHỐT TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐẢM BẢO ANTT, PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

 Ngày 21/4/2023 tại Trung tâm Hội nghị huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, triển khai công tác đảm bảo ANTT (An ninh trật tự), phòng chống dịch Covid – 19 và phòng chống thiên tai năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

  Tại hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Công an huyện báo cáo tình hình An ninh trật tự trên địa bàn từ đầu năm đến nay và triển khai công tác đảm bảo ANTT thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó chủ tịch UBND huyện báo cáo tình hình dịch Covid – 19. Theo đó, đến nay toàn huyện đã thực hiện tiêm phòng 57 đợt Vắc xin phòng Covid - 19, tỷ lệ bao phủ đạt 98%. Nhận định thời gian tới số ca mắc Covid – 19 có thể gia tăng hơn so với giai đoạn hiện nay, xuất hiện các chùm ca bệnh tại các khu vực tập trung đông người, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ du lịch… Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời xử lý cắt đứt các chuỗi lây nhiễm nhất là trong thời điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5. Để tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh Covid -19, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, đơn  vị khuyến cáo người dân thực hiện 2K, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiếp tục quản lý số ca dương tính tại cộng đồng, khám sàng lọc phân tầng điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tử vong do Covid- 19. Sẵn sàng kích hoạt đội phản ứng nhanh của huyện, 36 tổ phản ứng nhanh của các xã, thị trấn và 254 tổ Covid -19 cộng đồng của thôn, tổ dân phố. Trung tâm Y tế huyện, các Bệnh viện Đa khoa tăng cường công tác giám sát, xử lý nhanh, hiệu quả các chùm ca bệnh, ổ dịch. Rà soát điều kiện thu dung điều trị: Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị vật tư hóa chất theo phương châm “ 4 tại chỗ”. Tập trung rà soát, đăng kí và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid - 19 đối với nhóm nguy cơ. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mũi nhắc lại cho người dân.

Tiếp đó, đồng chí Lê Nguyên Hoài, Chủ tịch UBND huyện báo cáo kết quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, nhiệm vụ, phương hướng năm 2023. Huyện nhà có tổng số trên 87 km đê thuộc địa bàn của 20 xã, thị trấn, 13 điểm canh, 26 kè lát mái, 67 cống dưới đê và 471 tàu, thuyền với gần 1.490 lao động. Chủ động đối phó với thiên tại năm 2023, trước mắt các cơ quan, đơn vị và địa phương trong huyện tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ, phương án năm 2023 vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện được giao đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Triển khai tập huấn phòng, chống thiên tai, có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Phát biểu, kết luận, đồng chí Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đề nghị tập trung thực hiện các nhiêm vụ chủ yếu: tăng cường tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện về công tác đảm bảo ANTT và công tác phòng chống dịch Covid-19. Trọng tâm là Nghị Quyết số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT giai  đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Và Công văn số 01-CV/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn và an toàn an ninh mạng trên không gian mạng. Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo sát thực tế để tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác đảm bảo ANTT. Kịp thời phát hiện, nắm chắc các nguyên nhân, giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở theo đúng chức trách, nhiêm vụ, thẩm quyền được giao. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò trách nhiệm ngương mẫu của người đứng đầu, đặc biệt là phải xây dựng được kế hoạch cụ thể, triển khai các bước phải đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục và phải thận trọng, tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội phá vỡ nguyên tắc. Phải phát huy dân chủ rộng rãi, lắng nghe tiếp thu ý kiến, kiến nghị đúng đắn của nhân dân, giải quyết thấu đáo, thấu tình, đồng thời cũng phải kiên quyết, kiên trì không bị dao động, lung lay trước khó khăn, phức tạp. Giao cho Công an huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan Quân sự, Biên phòng các ban, ngành đoàn thể, địa phương có liên quan tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề về ANTT. Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh biên giới biển và công tác bảo vệ bí mật của Nhà nước. Lãnh đạo các đội nghiệp vụ, lực lượng công an các xã chủ động các biện pháp nắm, quản lý chặt chẽ các đối tượng, địa bàn trọng điểm không để các phần tử xấu, các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng các vụ việc phức tạp để lôi kéo, kích động, mắc nối, gây mất trật tự an ninh. Các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, phân loại các vụ việc, vụ án phức tạp hiện còn đang tồn đọng, những vụ việc mới phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT. Giao UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, có kế hoạch xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu kiện vượt cấp. Đề nghị UBND các xã: Sơn Hà, Dương Phúc, Thụy Sơn, Thụy Xuân và 1 số xã phải quyết liệt khẩn trương, nghiêm túc xử lý vi phạm về đất đai. Đề nghị các ngành chức năng, các địa phương, đi đầu là lực lượng công an phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn và tuyên truyền để nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ANTT- ATGT, và phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện việc treo cờ đối với các cơ quan, đơn vị phải thực hiện trước ngày 25/4, khuyến khích cán bộ, công chức đặt cờ Đảng, cờ Tổ quốc  lên bàn làm việc. Công tác phòng chống dịch Covid- 19, với mục tiêu không để dịch bệnh lây lan nhanh, mất kiểm soát cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế. Sẵn sàng kích hoạt và duy trì hoạt động của các ban chỉ đạo, các đội phản ứng nhanh và tổ Covid cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, cơ sở vật chất, vật tư cho công tác phòng chống dịch. Công tác thông tin phải đảm bảo chính xác, kịp thời. Giao cho ngành y tế chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện các biện pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch. Về công tác phòng chống thiên tai phải đảm bảo nguyên tắc đó là chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn phải xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Khẩn trương thành lập các ban chỉ đạo, xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Nắm chắc biến động về tàu, thuyền, ngư dân để theo dõi khi có tình huống thiên tai xảy ra. Ký cam kết với các chủ hộ nuôi trồng thủy, hải sản, có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ các lực lượng, vật tư để bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu. Thường xuyên củng cố tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt của Ban chi ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố trong công tác đảm bảo ANTT và phòng chống dịch Covid tại cơ sở. MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở cần làm tốt vai trò giám sát, phản biện, tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân nhân hiểu, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các Nghị quyết của cấp trên.                                       

                                                                                                           Vũ An

                                                                 Đài TT-TH huyện

 

HUYỆN ỦY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CÁC VĂN BẢN MỚI VỀ CÔNG TÁC KIỂM , GIÁM SÁT VÀ THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG NĂM 2023

      Sáng 13/4/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội nghị tập huấn các văn bản mới về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng năm 2023 cho các đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; các đồng chí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra của Đảng bộ các xã, thị trấn và các Chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện.

Tham dự hội nghị, 260 đại biểu được nghe đồng chí Thái Văn Hinh, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy trực tiếp đứng lớp triển khai, hướng dẫn các văn bản mới về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng gồm: Hướng dẫn số 05 ngày 22-11-2022 của Ủy ban kiểm tra Trung ương thực hiện một số điều trong Quy định số 69 ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quyết định số 89 ngày 01-12- 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở; Quy định số 69 ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quyết định số 354 ngày 22-12-2021 của Ủy ban kiểm tra Trung ương về ban hành các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Tiếp đến Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy triển khai Kế hoạch số 114 ngày 28-12-2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Kết luận số 34 ngày 18-4-2022 của Bộ chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra giám sát của Đảng đến năm 2030; Đề án số 03, ngày 10-6-2022 của Tỉnh ủy Thái Bình về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng tại hội nghị, các báo cáo viên còn hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát; trao đổi về những vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu được lựa chọn theo lĩnh vực kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng; việc thi hành kỷ luật Đảng; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra và kiểm tra công tác tài chính Đảng. Qua đó giúp các học viên nắm vững kiến thức, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ một cách hiệu quả nhất. Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tích cực trao đổi, đối thoại với báo cáo viên để làm rõ nội dung còn băn khoăn, những vấn đề cần làm rõ và kinh nghiệm xử lý tình huống thường gặp, giải đáp vấn đề liên quan, góp phần đảm bảo hiệu quả, chất lượng của lớp tập huấn. Qua lớp tập huấn này sẽ giúp các đại biểu vận dụng đúng đắn, tham mưu thực hiện tốt và có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nói chung.

                                                Ủy ban kiểm tra Huyện ủy

 

HUYỆN NHÀ TỔ CHỨC NGÀY HỘI HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN ĐỢT 1 NĂM 2023

 Sáng ngày 25/4/2023 tại Trung tâm Chính trị huyện, huyện nhà tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2023. Tới dự có đồng chí Vũ Đức Điến, chủ tịch hội Chữ thập đỏ tỉnh; đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện; các đồng chí trong Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện huyện; đại diện các phòng, ban, cơ quan, đoàn thể của huyện, cán bộ y bác sỹ khoa huyết học Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện, chủ tịch hội Chữ thập đỏ các xã khu Bắc huyện và gần 300 tình nguyện viên là cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học khu Bắc huyện, CLB hiến máu tình nguyện xã Thái Giang, công ty hóa chất mỏ Thái Bình Micco.

 Diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thuận, trời mưa ảnh hưởng việc đi lại. Song, Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1/2023 của huyện vẫn diễn ra sôi động, mọi người đến với ngày hội chấp hành tốt các quy định chống dịch cũng trải qua các vòng sơ khám ban đầu để ấn định giờ cho máu. Không khí thật phấn khởi ai cũng muốn được chia sẻ nhiều nhất những giọt máu hồng của mình cho cộng đồng. Đi ra từ bàn hiến máu chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Thụy Hà, thị trấn Diêm Điền nói: "Tôi tham gia hiến máu từ khi còn là sinh viên cho đến nay được 7 lần. Với tôi câu nói “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” rất thấm thía, ý nghĩa nên tôi còn đủ sức khỏe là tôi còn đi hiến máu, tôi cũng mong sẽ tiếp tục vận động được nhiều người tham gia hiến máu để giúp đỡ những bệnh nhân cần máu lúc nguy cấp".

Hàng chục lần tham gia hiến máu tình nguyện và đã được các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện tặng nhiều giấy khen các loại, đồng chí Vũ Đức Cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Diêm Điền và hai người con trai luôn có mặt ở các ngày hội hiến máu tình nguyện, đồng chí trải lòng: "Hiến máu tình nguyện là việc làm ý nghĩa mang tính nhân văn cao. Chính vì điều đó tôi rất tích cực hiến máu đến nay đã hơn chục lần rồi, không những bản thân tham gia hiến máu mà còn vận động các thầy giáo, cô giáo, gia đình tham gia hiến máu. Quan điểm của tôi là giọt máu đào rất quý báu, đem đến sự sống, cơ hội cho những người khác. Vì vậy, bản thân và gia đình rất tích cực, tôi cho đó là việc làm bình thường, tôi và 2 con trai đều tham gia hiến máu thường xuyên, tôi sẽ còn tiếp tục hiến máu".

 Được điều động tham gia hiến máu đợt này, CLB hiến máu tình nguyện xã Thái Giang luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Tại ngày hội có 4 tập thể trong CLB hiến máu tình nguyện xã Thái Giang đã được chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen, sự động viên này đã cổ vũ tinh thần để các tình nguyện viên cố gắng quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Hoàng Đăng Cát, Chủ tịch hội CTĐ xã Thái Giang cho hay: " Thái Giang theo kế hoạch thì cuối năm mới hiến máu nhưng theo sự điều động của Ban chỉ đạo huyện yêu cầu Thái Giang tăng cường trong đợt này, vậy là khi nhận được thông báo thì Thái Giang lập tức lên đường ngay. Hôm nay 38 người tham gia hiến máu và có nhiều cặp vợ chồng tham gia hiến máu, có 1 đồng chí hiến nhiều nhất là 15 lần, với chức năng nhiệm vụ của CLB thì chúng tôi đăng ký là bất kể lúc nào cần hiến máu khẩn cấp thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng với khả năng cao nhất để truyền máu cho người bệnh".

 Với tinh thần làm việc tập trung, đầy trách nhiệm của các y, bác sỹ khoa huyết học Bệnh viên Đa khoa tỉnh, sự nhiệt tình, vào cuộc của các tình nguyện viên BCĐ hiến máu tình nguyện huyện và hưởng ứng của các thầy cô giáo. Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2023 của huyện đã thành công tốt đẹp, thu được 233 đơn vị máu chuyển Khoa huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh sàng lọc phục vụ cấp cứu khi bệnh nhân có nhu cầu cần truyền máu. Biểu dương tinh thần hiến máu tình nguyện, tại ngày hội huyện nhà đã khen thưởng 19 tập thể, 5 gia đình và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc nhiều năm hiến máu tình nguyện.

                                                Hội Chữ thập đỏ huyện                                     

TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO HUYỆN PHỐI HỢP VỚI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỔ CHỨC CHUYÊN ĐỀ “PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG”

Sáng ngày 20/4, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Chuyên đề “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường” tại trường Tiểu học Thụy Sơn. Đến dự có đồng chí Lê Thị Thanh, Giám đốc Thư viện tỉnh; lãnh đạo hội khuyến học huyện; các đồng chí hiệu trưởng, cán bộ thư viện các Trường Tiểu học và Trung Học cơ sở trên địa bàn toàn huyện, cùng  đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thụy Sơn.

      Với chủ đề “Sách - Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi cho bạn”, phần khai mạc của đồng chí  Hồ Thị Phương – Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thể thao huyện nêu bật: Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu quý sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Tiếp đó, là chương trình văn nghệ được chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, với sự thể hiện của các em học sinh, lồng ghép là những câu chuyện, tấm gương ham đọc sách, ý nghĩa của tình yêu với văn hóa đọc, hướng dẫn cách lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp lứa tuổi, kỹ năng ghi nhớ kiến thức khi đọc…

Kết thúc chương trình, các đại biểu, các thầy cô giáo cùng các em học sinh trường Tiểu học Thụy Sơn trực tiếp tham quan khu trưng bày sách của các lớp, thư viện ngoài trời. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4, đồng thời nhằm nâng cao “Văn hóa đọc” trong các nhà trường và góp phần thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”.

 Nhân dịp này, Thư viện tỉnh đã trao tặng Trường tiểu học Thụy Sơn nhiều đầu sách,  phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu, khám phá, bổ sung, nâng cao kiến thức, hiểu biết cho các em học sinh.

                       Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện

 

THÁI THỤY NUÔI THẢ THỦY SẢN VỤ ĐẦU NĂM 2023

Sau Tiết Thanh minh đến nay, nông dân các địa phương trong huyện tập trung xuống giống nuôi thả thủy sản, chủ yếu là: tôm, cua, cá các loại. Cán bộ ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi thả với quyết tâm giành thắng lợi ngay từ những khâu đầu.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi trồng thủy sản, trước mỗi vụ nuôi thả, gia đình bà Bùi Thị Đồi, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải luôn xác định công tác cải tạo ao đầm là yếu tố then chốt dành thắng lợi vụ nuôi. Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo đến cuối tháng 3 gia đình bà đã hoàn thành công việc này theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn. Gặp bà Đồi khi cả hai vợ chồng bà đang đi lấy giống thủy sản tại một cơ sở có uy tín tại địa phương để chuẩn bị xuống giống thả nuôi sau Tiết Thanh minh, bà Đồi cho hay: “Sau Tiết Thanh minh đến nay, nguồn nước và thời tiết cũng thuận lợi nên vụ này gia đình tôi thả 5 vạn tôm giống và 2000 cá song. Vợ chồng tôi đã hoàn thanh việc cải tạo đầm từ tháng trước để chuẩn bị cho vụ nuôi đợt này. Giống thì gia đình tôi lấy ở chỗ uy tín. Con tôm đã quen nguồn nước nên việc nuôi thả cũng thuận lợi và cho chất lượng cao”.

Thụy Hải là một trong những địa phương ven biển của huyện có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy sản. Với tổng diện tích trên 100 ha, sau 2 đợt cải tạo ao đầm, HTX Đại Đồng xã Thụy Hải đã chủ động tháo cạn nước cho bà con cải tạo và đến thời điểm này công tác xuống giống đã đạt hơn 40% tổng diện tích. Ông Nguyễn Trọng Bằng, Giám đốc HTX Đại Đồng, xã Thụy Hải nói với chúng tôi: “Trước đó, HTX đã chủ động dồn nước cho bà con và khuyến cáo bà con thủ nước trước khi thả để khi thả tôm không bị lạ nước. Nếu tôm xuống lạ môi trường nước thì có thể không đảm bảo được đầu con, hao rất nhiều. Thứ 2 là sau khi thả phải vít cống giữ nước tránh tình trạng nước ra, nước vào tôm bị xốc ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Hiện nay, trên địa bàn xã Thụy Hải có 2 trại tôm giống khá uy tín, cung cấp giống cho toàn huyện và một số huyện lân cận”.

Năm nay, huyện nhà có kế hoạch nuôi trồng hơn 3000 ha thủy sản nước lợ, nước ngọt. Bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đến cuối tháng 3, nông dân đã hoàn thành công tác cải tạo ao đầm, và hiện đang tập trung xuống giống nuôi thả thủy sản nước lợ. Huyện đặc biệt khuyến cáo nông dân đa dạng hóa con nuôi trong đó ưu tiên số một là tôm sú. Ngoài ra, nuôi luân canh xen đối với một số đối tượng như: cá song, cá vược, cua. Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện  cho biết: “Đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo bà con về hạ tầng cơ sở vật chất phải đảm bảo theo đúng quy trình khép kín bằng 2 giai đoạn: giai đoạn ương và giai đoạn nuôi túi bóng. Sau khi bà con xuống giống xong, cơ quan chuyên môn sẽ hướng dẫn công tác quản lý, chăm sóc, thường xuyên kiểm tra đối tượng thả nuôi cũng như  xử lý môi trường theo đúng quy trình kỹ thuật”.

Theo kế hoạch, thời gian kết thúc xuống giống nuôi thả thủy sản vụ đầu năm nay ở huyện nhà vào ngày 25/4. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng của các loài thủy sản, đặc biệt chú ý chế độ chăm sóc, xử lý môi trường nước để động vật thủy sản nhanh chóng thích nghi, sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.

                                                                      Lê Lan

                                                                 Đài TT- TH huyện

 

HỘI NÔNG DÂN HUYỆN KẾT NỐI VỚI CƠ SỞ ẤP TRỨNG THOA TUYẾT, XÃ THỤY VIỆT TRAO TẶNG GÀ GIỐNG CHO HỘI VIÊN NGHÈO TRONG HUYỆN

       Với hơn 20 năm phát triển con giống gia cầm, cơ sở ấp trứng Thoa Tuyết, xã Thụy Việt đã gây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước, với doanh thu gần chục tỷ đồng/ năm, con giống của cơ sở Thoa Tuyết sản xuất ra đảm bảo chất lượng, nuôi an toàn, ít dịch bệnh và sinh trưởng phát triển tăng trọng nhanh. Từ thành công này, ông Nguyễn Văn Thoa, chủ cơ sở đã 5 lần được chọn tham dự hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Năm 2022, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3. Nhằm chia sẻ khó khăn với hội viên nông dân nghèo trong thời điểm hiện nay. Từ sự kết nối của HND huyện, cơ sở ấp trứng Thoa Tuyết, xã Thụy Việt quyết định trao tặng 5.000 con gà giống trị giá khoảng 50 triệu đồng cho Hội nông dân 12 xã trong huyện hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi, góp phần cùng các địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Như vậy, 100 hội viên nông dân nghèo của huyện, mỗi hội viên sẽ được nhận từ 40- 50 con gà giống để chăn nuôi. Không những thế các hội viên còn được chủ cơ sở Thoa Tuyết hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm để chăn nuôi gà an toàn - hiệu quả, sớm mang lại nguồn thu cải thiện đời sống.

Phát biểu tại buổi lễ trao gà giống, đồng chí Nguyễn Đình Chung, chủ tịch Hội nông dân huyện, đồng chí Phạm Trọng Quán, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Việt đánh giá cao tinh thần ủng hộ con giống của cơ sở ấp trứng Thoa Tuyết đã giúp hội viên nông dân nghèo có cơ hội đầu tư chăn nuôi nâng cao đời sống và hy vọng món quà mà cơ sở ấp trứng Thoa Tuyết ủng hộ sẽ là động lực để các hội viên nông dân nghèo ở 12 xã trong huyện sớm vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

                                                                    Bùi Thủy

                                                         Đài TT-TH huyện

 

BẢO HIỂM XÃ HỘI THÁI THỤY CHUYỂN ĐỔI SỐ HƯỚNG TỚI SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN 

VÀ DOANH NGHIỆP

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội huyện Thái Thụy  luôn nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số để đưa các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đến với người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Với quãng thời gian từ nhà đến cơ quan BHXH huyện Thái Thụy hơn 10 km, trước đây, những đại lý thu BHXH tự nguyện như chị Đoàn Thị Dung, xã Sơn Hà mất khá nhiều thời gian đi lại trong việc thực hiện các thủ tục về chính sách Bảo hiểm xã hội cho người tham gia. Tuy nhiên, kể từ khi BHXH huyện triển khai ứng dụng thực hiện chuyển đổi số đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân như chị Đoàn Thị Dung trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Chị Dung cho hay: “Trong quá trình tham gia BHYT, nhiều trường hợp người tham gia nộp hồ sơ chậm, chưa kịp thời, có trường hợp người tham gia ốm cần thẻ gấp, nhờ thực hiện hồ sơ điện tử nên chúng tôi có thể giải quyết kịp thời, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Nói chung tôi thấy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHYT mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, kinh phí và thuận lợi cho các đại lý thu”.  

Tại Bộ phận một cửa cơ quan BHXH huyện Thái Thụy, các giao dịch trước đây thường phải thực hiện trực tiếp thì nay đã được thực hiện bằng hình thức online, giao dịch điện tử. Qua đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ và có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, mỗi tổ chức, cá nhân đều có thể ở nhà hoặc tại đơn vị mình thực hiện giao dịch thông qua mạng Internet để giải quyết công việc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của ngành BHXH. Chia sẻ thêm về điều này, ông Đặng Đình Thản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Sơn nói: ““Thời gian qua, Bệnh viện Phúc Sơn đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Thái Thụy thực hiện chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện đang sử dụng phần mềm VSAD và một số phần mềm trong quản lý hồ sơ bệnh nhân và đồng bộ số liệu giữa các hệ thống phần mềm y tế. Bệnh nhân đến khám bệnh không cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang triển khai ký số, chữ ký điện tử để thực hiện các giao dịch cũng như số hoá hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người bệnh, góp phần cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám chữa bệnh và giảm thủ tục hành chính cho người bệnh”

Thực hiện chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, các đề án, kế hoạch Chuyển đổi số của tỉnh, của huyện, thời gian gần đây, BHXH Thái Thụy đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chiến lược Chuyển đổi số, ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Với nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, từ năm 2021, ngành BHXH đã triển khai xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành; ban hành Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025; xây dựng hệ thống các phần mềm, liên thông trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành; từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với 4 dịch vụ cơ bản (nhất là dịch vụ tin nhắn SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng; phân tích, khai thác dữ liệu lớn trên Bigdata. Với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc Chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT… Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Vụ - Giám đốc BHXH huyện cho biết:Năm qua, ngành BHXH cũng đã thực hiện, nâng cấp các phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp để phục vụ làm thủ tục  khám, chữa bệnh; đồng bộ số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý. Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh trong huyện cũng đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. BHXH huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt sử dụng ứng dụng VssID – Bảo hiểm số cho  người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện, qua ứng dụng người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại). Từ ngày 01/6/2021, BHXH huyện đã triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trên phạm vi toàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 100 nghìn người đã được cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BH số”.

  Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06 của Chính phủ), BHXH huyện Thái Thụy đã nghiêm túc tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo của BHXH tỉnh;  phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án đến toàn thể cán bộ viên chức, lao động; tham mưu UBND huyện ban hành văn bản về việc xác thực mã số định danh cá nhân/căn cước công dân  gắn chíp điện tử đối với người tham gia BHXH, BHYT gửi đến các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn huyện để phối hợp, đề nghị người tham gia BHXH, BHYT, BHTN kê khai số mã số định dạng cá nhân/ căn cước công dân để cơ quan BHXH nhập vào cơ sở dữ liệu.

Có thể khẳng định rằng, việc triển khai ứng dụng VssID - BHXH số là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình Chuyển đổi số của ngành BHXH toàn tỉnh nói chung và BHXH huyện Thái Thụy nói riêng. Sau hơn 2 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan BHXH… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Qua đây, người dùng có thể dùng hình ảnh thẻ trên ứng dụng để khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy. Ông Lê Văn Vụ - Giám đốc BHXH huyện Thái Thụy cho biết thêm:

 Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong năm 2023, BHXH huyện tiếp tục phối hợp với Công an huyện rà soát thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay đã xác thực mã số định danh cá nhân được 190.251/202.233 người, đạt 94%, đồng thời triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế, ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN… Thời gian tới, BHXH huyện phối hợp với các cơ sở khám chưa bệnh trên địa bàn huyện trong việc hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử phục vụ thực hiện triển khai Đề án 06 trong việc gửi dữ liệu giấy chứng sinh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và cung cấp quy trình cấp giấy báo tử điện tử, xác định hình thức gửi dữ liệu giấy báo tử lên Hệ thống của BHXH Việt Nam theo chỉ đạo của ngành”.

 Với những kết quả bước đầu trong thực hiện Chuyển đổi số ở BHXH huyện Thái Thụy, có thể thấy việc triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số trong ngành BHXH đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH; nâng cao hiệu quả xử lý công việc của  đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị.

                                                 Bảo hiểm xã hội huyện                                                 

                                           

 

 

  THÔNG TIN THAM KHẢO

 

MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT VỀ TÌNH HÌNH THẾ GIỚI QUÝ I/2023

Đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, xung đột vũ trang Nga - Ucraina... đã và đang làm cho cục diện thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế…

1. Kinh tế phục hồi trong thận trọng

Nhìn chung, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19; trong đó nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu là Trung Quốc đã từ bỏ chính sách “zero Covid”, mở cửa và bước vào phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF)…, tốc độ tăng trưởng năm nay nói chung sẽ thấp, có thể chỉ dưới 3%. Lạm phát có phần hạ nhiệt ở nhiều nền kinh tế, mức độ và biên độ tăng lãi suất ngân hàng không còn cao như năm ngoái, song tiêu dùng vẫn hạn chế, lĩnh vực tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều điều bất an, bất định. Việc OPEC+ quyết định hạn chế sản lượng có thể khiến giá nhiên liệu sẽ lại gia tăng.

Đặc biệt, hiện tượng các ngân hàng danh tiếng ở Mỹ như SVB, First Republic Bank, Signature… phải cứu trợ, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ phải “bán mình” cho UBS với giá 3,5 tỷ USD… gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ suy thoái toàn cầu, tương tự như năm 2008 khi Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ.

Một chiều hướng đáng báo động khác là nguy cơ khủng hoảng nợ. Theo Liên Hợp quốc, nợ song phương của các nước nghèo nhất năm 2023 so với 2001 đã tăng tới 35%, khiến tổng số tiền phải trả thêm trong năm lên tới 1.100 tỷ USD! Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải triệu tập một hội nghị về cách giúp các nước nghèo xử lý nợ. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận không đi tới kết quả, bởi ngay cả các nước chủ nợ còn đang chật vật ứng phó nợ công, không đủ tiềm lực “vác tù và hàng tổng”, chưa kể đôi co về những khía cạnh chính trị-chiến lược.

Mặc dù bức tranh kinh tế toàn cầu không lấy gì làm sáng sủa, quá trình tái cấu trúc sản xuất, thương mại, đầu tư, tiền tệ, tiêu dùng… vẫn diễn ra mạnh mẽ. Dường như một cấu trúc mới đang dần định hình. Nhiều nước dành ưu tiên cao cho kinh tế số và kinh tế xanh. Sự xuất hiện và lan truyền của ChatGPT dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra một xu hướng hoàn toàn mới trong đời sống nhân loại.

Chuỗi cung ứng dầu khí từ Nga sang châu Âu đang chuyển mạnh sang châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, kéo theo sự gia tăng phương thức thanh toán bằng nội tệ các nước này thay vì đồng USD. Các cơ sở sản xuất hàng hóa nói chung, bán dẫn nói riêng có xu hướng chuyển dần sang Đông Nam Á đặt trọng tâm vào năm lĩnh vực: công nghệ (technology), thu nhập (income), chuyển đổi xanh (green), cơ sở hạ tầng năng lượng (energy) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo thành từ TIGER, tiếng Anh nghĩa là “con hổ”.

Bên cạnh đó là sự điều chỉnh chính sách kinh tế ở nhiều nước. Đáng chú ý, những thay đổi này tại cả Mỹ và Trung Quốc vô hình trung có nhiều nét tương đồng như dành ưu tiên cao cho các ngành công nghệ mới, chú trọng thị trường nội địa, nhà nước gia tăng can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ngoài khó khăn kinh tế-tài chính, thế giới tiếp tục đối mặt với những biểu hiện cực đoan về biến đổi khí hậu, điển hình là trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tháng 2/2022 làm gần 50.000 người thiệt mạng. Hạn hán lan rộng toàn cầu cầu đến mức Liên Hợp quốc triệu tập một hội nghị chuyên bàn về nước. Trên một chục bang ở Mỹ hứng chịu những trận cuồng phong, lốc xoáy kinh hoàng.

Những diễn biến trên cùng nhiều vấn đề chính trị nội bộ khác đẩy nhiều quốc gia vào các xung đột xã hội gay gắt, kể cả ở phát triển lẫn đang phát triển khắp các châu lục, nổi lên là những xáo động xã hội ở Pháp liên quan tới ý định nâng tuổi hưu, đình công dài ngày của các ngành vận tải ở Đức đòi tăng lượng, biểu tình lớn ở Israel liên quan tới chủ trương cải cách tư pháp…

2. Gia tăng cạnh tranh chiến lược

Trong quý I/2023, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không hề thuyên giảm. Trái lại, chạy đua vũ trang nói chung, đe dọa hạt nhân nói riêng có chiều hướng gia tăng. Cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga có nhiều diễn biến mới.

Ngày 24/2, xung đột Nga-Ukraine đã tròn một năm song chưa có dấu hiệu nào cho thấy thời điểm và phương cách kết thúc. Ngược lại, xung đột quân sự lại có chiều hướng gia tăng và lan rộng. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đưa ra 10 đòi hỏi gay gắt với Ukraine như chấm dứt chiến sự, phương Tây phải xóa bỏ trừng phạt Moscow, Kiev phải chấp nhận thay đổi về lãnh thổ đã hình thành. Nga đã công bố Khái niệm mới về chính sách đối ngoại, trong đó phê phán mạnh mẽ Mỹ cùng đồng minh, thể hiện rõ ý định xây dựng lại trật tự thế giới mới…

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây không ngừng gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine, mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga… Về phía Nga đã rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và diễn tập các loại vũ khí hạt nhân chiến lược. Đó là chưa kể đến những căng thẳng mới giữa Nga và Mỹ qua vụ máy bay không người lái của Mỹ đụng độ với máy bay Su-35 của Nga trên bầu trời Biển Đen, Nga bắt giam một nhà báo Mỹ vì tội “làm gián điệp”…

Quan hệ Trung-Nga tiếp tục được củng cố và tăng cường, nổi bật là cuộc gặp lần thứ 40 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow nhằm củng cố quan hệ mọi mặt giữa hai nước được đánh giá là “tốt nhất trong một thế kỷ qua”. Nhân dịp này, có tin hai bên đã trao đổi về lập trường 12 điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine; lãnh đạo nước chủ nhà hoan nghênh lập trường “khách quan và cân bằng”, vai trò “xây dựng” của Trung Quốc và không phản đối thương lượng.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Trung bỗng căng thẳng trở lại sau tín hiệu tương đối tích cực từ cuộc gặp của lãnh đạo song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia tháng 10/2022. Washington đã áp dụng những biện pháp mới nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận lĩnh vực sản xuất chip. Hai bên lời qua tiếng lại sau khi vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ bị bắn rơi, cũng như lùm xùm xung quanh ứng dụng TikTok và việc người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) “dừng chân” ở Mỹ trên đường sang Mỹ Latinh. Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Blinken Antony bị hoãn, ông Tập Cận Bình và ông Tần Cương liên tiếp nhận xét mạnh mẽ hiếm thấy về Washington… Đáp lại, Nhà Trắng tung tin Trung Quốc có thể cấp khí tài cho Nga…

Song những ngày cuối tháng Ba, sau chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, câu chuyện ông Blinken thăm Bắc Kinh lại được nhắc tới, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chưa có dấu hiệu Trung Quốc chuyển giao khí tài quân sự cho Nga…

Một chiều hướng mới là Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ hoạt động ở Trung Cận Đông và Trung Á. Tiếp theo chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình sang Saudi Arabia, quốc gia dầu mỏ và đồng minh gần gũi của Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Trung Quốc với sáu nước vùng Vịnh đã nhóm họp ở Riyadh và Saudi Arabia. Hội nghị khép lại với thỏa thuận gia tăng hợp tác trong đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, hàng không, văn hóa.

Đặc biệt, ngày 10/3, với sự trung gian của Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran đã đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ sau những năm tháng đối đầu. Đồng thời, Quốc vương Saudi Arabia đã mời Tổng thống Iran sang thăm.

Trong năm nay, Trung Quốc còn có kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Trung Á, với nhiều nước từng thuộc Liên bang Xô viết nay tham gia tổ chức do Nga đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị toàn cầu lần thứ ba để thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và con đường”. Đáng chú ý là trong Khái niệm đối ngoại mới, Nga cũng đặt rất cao vị thế của thế giới Arab và đạo Hồi.

Qua các diễn biến trên, dường như một “trật tự mới” đang dần hé lộ, trong đó Trung-Nga hợp tác mật thiết để ứng phó Mỹ. Cục diện này gần giống thời “Chiến tranh Lạnh” đầu những năm 50 thế kỷ trước, khi Trung Quốc cùng Liên Xô chống Mỹ theo Hiệp ước đồng minh tương trợ. Tuy nhiên, ngày nay sức mạnh và vị thế Trung Quốc đã khác. Quan hệ Trung-Nga không còn dựa trên ý thức hệ hay Hiệp ước đồng minh tương trợ. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chủ trương vừa đấu tranh, vừa duy trì quan hệ với Washington, nhất là về kinh tế, thương mại.

Ở cấp độ khu vực, châu Âu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới như khan hiếm nhiên liệu do Nga ngừng cung cấp, lạm phát cao ở nhiều nước gây ra nhiều căng thẳng chính trị-xã hội. Nội bộ EU cũng nảy sinh không ít khúc mắc như tranh cãi Đức-Pháp về xe hơi chạy động cơ đốt sau năm 2035 tại Hội nghị thượng đỉnh của khối vừa qua. Hungary tiếp tục tránh đối đầu với Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa tán thành kết nạp Thụy Điển vào NATO. Phần Lan, nước giáp ranh vốn có quan hệ bình thường với Nga, đã gia nhập NATO ngày 4/4. Đáp lại, Nga gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực Tây Bắc đất nước. Trước tình hình phức tạp mới, nhiều nước châu Âu đang tích cực tăng cường quan hệ với các nước châu Á.

Tại châu Á, bán đảo Triều Tiên thêm “nóng” với hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, trong khi Washington và Seoul không ngừng tập trận chung quy mô lớn. Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản có đột phá mới: Ông Yoon Suk Yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thăm Tokyo sau nhiều năm, với hai bên chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Thủ tướng Kishida Fumio mời ông Yoon Suk Yeol dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất (G7) tháng Năm tới. Mới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã tới Bắc Kinh thảo luận nỗ lực cải thiện quan hệ, bao gồm nối lại cơ chế đối thoại quốc phòng để tránh rủi ro.

Trong khi đó, vấn đề Đài Loan và tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Khác với thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nối lại quan hệ quốc phòng với Washington. Tuy nhiên, Manila vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Bắc Kinh mà cuộc tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước vừa kết thúc là một biểu hiện.

Về đại thể, những chiều hướng trên sẽ đồng hành cùng thế giới trong phần còn lại của năm. Trong số đó, hai chiều hướng cần được theo dõi sát sao: Tình hình tài chính-tiền tệ, ngân hàng toàn cầu; tam giác quan hệ Mỹ-Trung-Nga và khủng hoảng Ukraine. Theo dõi, nắm bắt các chiều hướng, thích ứng linh hoạt sẽ là chìa khóa để các quốc gia, bao gồm Việt Nam, giữ vững ổn định, tiếp tục phát triển trong năm 2023./.

                                     Ban Tuyên giáo Huyện ủy (st)


Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết