Bản tin nội bộ tháng 11/2023
ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
THÁNG 11/2023
1- Tuyên truyền sâu rộng kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; công tác quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XIII, các văn bản chỉ đạo của cấp trên..
2- Tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở nhằm cổ vũ, động viên các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là công tác GPMB các dự án những tháng cuối năm 2023.
3- Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị như: 106 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2023); ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11); 93 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930) gắn với ngày hội Đại đoàn kết toàn dân; các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)…
4- Tiếp tục tuyên truyền nội dung cốt lõi tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” gắn với tuyên truyền việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả hơn 02 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị
5- Đẩy mạnh đấu tranh, phản bác những thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các phần tử xấu, cơ hội chính trị, nhất là những thông tin xấu độc trên không gian mạng trước những thành quả của hơn 10 năm (2012-2022) và từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Gương sáng
CÔ GIÁO TẠ THỊ NA, LAN TỎA TINH THẦN TÂM HUYẾT “LAO ĐỘNG GIỎI, LAO ĐỘNG SÁNG TẠO”
Sinh ra và lớn lên tại thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải, trong một gia đình ngư dân, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều làm nghề đi biển, là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Mầm non Thái Bình, cô Tạ Thị Na được về công tác tại Trường Mầm non Thụy Hải, là xã ven biển của huyện Thái Thụy, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Song với lòng yêu nghề, mến trẻ, trong suốt những năm qua cô giáo Tạ Thị Na, Tổ phó Tổ mẫu giáo đã cùng với đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Thụy Hải luôn nỗ lực cố gắng, ngày đêm bám trường, bám lớp. Cô là một tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một nhà giáo tâm huyết, có nhiều sáng tạo trong công tác, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường.
Cô tâm sự: “Tôi rất vui và tự hào khi được sống và làm việc ở một ngôi trường có bề dày truyền thống và thành tích, là một trong những con chim đầu đàn về giáo dục mầm non của huyện Thái Thụy, được chăm sóc giáo dục ngay chính con em của quê hương mình”.
Với đức tính giản dị, ham học hỏi, niềm say mê với công tác chuyên môn, cô giáo Tạ Thị Na luôn mong muốn mang đến cho trẻ những giờ học hay thông qua hình thức “Học bằng chơi, chơi mà học”. Cô luôn muốn truyền cho các học trò nhỏ lòng yêu thích, say mê thông qua các môn học. Mỗi giờ dạy của cô giáo Na luôn là những sáng tạo không ngừng nghỉ, bởi cô là người không thích những lối mòn, không bao giờ tự hài lòng với những gì mình đã có, luôn muốn làm “mới” mình, làm “mới” những “lối mòn” mà mọi người đã đi. Mỗi giờ hoạt động cùng trẻ là sự đào sâu, tìm tòi, nghiền ngẫm để cái sau tốt hơn cái trước, tất cả vì học sinh thân yêu. Dù là những giờ học thú vị hay vui chơi cũng như chăm sóc trẻ, cô giáo Na luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi với trẻ, coi trẻ là những người con của mình. Đây là những phẩm chất tốt tạo niềm tin yêu, quý mến đối với trẻ và phụ huynh.
Mười bẩy năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Tạ Thị Na đã đạt được rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ: Trong nhiều năm liền cô giáo Tạ Thị Na liên tục đạt “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; năm học 2014-2015 cô được Sở giáo dục và Đào tạo Thái Bình tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo KHKT cấp Tỉnh; năm học 2015-2016 đạt giải nhất Hội thi ĐDĐC cấp huyện; 02 lần được Chủ tịch UBND Tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua. Với bề dày thành tích đó năm học 2022-2023 cô giáo Tạ Thị Na vinh dự được Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp xét đề nghị tặng danh hiệu “Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen”.
Luôn say mê, nhiệt tình trong công tác, cô Tạ Thị Na còn rất khéo tay và sáng tạo, cô luôn tận dụng những đồ phế liệu, phế thải để tạo nên những đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như trang trí trong các góc hoạt động của lớp và luôn xây dựng được một môi trường học tập hấp dẫn, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm. Cô luôn giúp đỡ nhiệt tình với các đồng nghiệp từ đóng góp ý kiến các tiết dạy sao cho hấp dẫn, sáng tạo nhất đến cách sắp xếp các góc chơi sao cho phù hợp, thuận tiện và đẹp mắt hấp dẫn trẻ, giúp đỡ đồng nghiệp tạo ra các đồ dùng đồ chơi mới.
Là một đảng viên, với chức vụ Tổ phó Tổ chuyên môn mẫu giáo, ngoài việc giúp đỡ các cô giáo trong tổ về công tác chuyên môn, cô giáo Tạ Thị Na còn luôn quan tâm, chia sẻ về những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống cá nhân của từng cô giáo, những đồng nghiệp xung quanh cô luôn cảm nhận được ở cô giáo Na tình cảm yêu thương, quan tâm chân thành.
Với những việc làm thiết thực và những thành tích đạt được đáng kể cô đã được Trường Mầm non Thụy Hải ghi nhận là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo. Không chỉ có cô giáo Na, bậc học mầm non Thái Thụy còn rất nhiều các cô giáo vẫn ngày, đêm miệt mài, cần mẫn, mang trí tuệ và công sức nhỏ bé của mình chăm sóc cho các mầm non tương lai. Các cô xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến góp phần đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà ngày càng đi lên, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân đã giao phó.
Phòng GD&ĐT Thái Thụy
THÔN VĂN TRÀNG XÃ THỤY VĂN – ĐIỂM SÁNG TRONG TẬP HỢP KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT Ở KHU DÂN CƯ
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động, trên địa bàn huyện đã có nhiều khu dân cư, nhiều tập thể luôn nỗ lực trong công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ban công tác Mặt trận thôn Văn Tràng, xã Thụy Văn, là một điển hình như thế.
Cách trung tâm xã khoảng 1km, cách trung tâm huyện 5km, thôn Văn Tràng có 393 hộ dân với 1.170 nhân khẩu. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn thôn khoảng 97 ha, trong đó có 31 ha đất ở, còn lại là diện tích đất nông nghiệp. Trong thôn có 5 dòng họ cùng nhau sinh sống, tham gia lao động, phát triển sản xuất. Xác định rõ vai trò của công tác đại đoàn kết, tập hợp nhân dân trong các phong trào thi đua của địa phương, Ban công tác mặt trận thôn Văn Tràng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân phát huy quyền làm chủ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước. Đồng chí Vũ Hữu Năm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thụy Văn cho biết: Với sự quyết tâm cao của ban công tác mặt trận thôn đã lãnh đạo, tập hợp có hiệu quả người dân trong thôn giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và hưởng ứng tích cực các phong trào, cuộc vận động đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…
Trong phát triển kinh tế, bà con trong thôn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Các tổ chức chi hội trong thôn tuyên truyền tới bà con các chương trình ưu đãi của các tổ chức Hội như: hỗ trợ cho vay vật tư, phân bón trả chậm, vay vốn để phát triển kinh tế.... Đặc biệt, vào dịp vụ mùa các hộ giúp nhau ngày công cày cấy, gặt hái góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp của thôn luôn đúng thời vụ và đạt năng suất cao. Bên cạnh phát triển kinh tế, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng được thôn chú trọng, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết... Trong năm 2023, bằng nguồn hỗ trợ xã hội hóa, thôn đã huy động xây dựng được 4 căn nhà đại đoàn kết cho đối tượng chính sách và hộ nghèo trong thôn tổng trị giá trên 650 triệu đồng. Các tổ chức hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã hỗ trợ kịp thời hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Để thực hiện tốt công tác an ninh - trật tự trên địa bàn, Ban công tác Mặt trận thôn đã nỗ lực vận động bà con chấp hành tốt pháp luật cũng như hương ước, quy ước của thôn. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Từ đầu năm 2023 đến nay, thôn không có người nghiện ma túy, không xảy ra các vụ trộm cắp vặt, hầu hết các vụ việc nảy sinh đều được hòa giải ngay nhanh gọn.Các hủ tục, mê tín dị đoan được bài trừ ra khỏi đời sống cộng đồng. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn Văn Tràng luôn đạt trên 94%. Thôn nhiều năm liền được công nhận là thôn văn hóa. 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học. Mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học” được thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận thôn Văn Tràng đã tuyên truyền để bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình từ đó nhận được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn thôn đã huy động nguồn đóng góp xã hội hóa của nhân dân và con em xa quê với tổng số kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, nhân dân hiến trên 20 nghìn m2 để xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng và các công trình khác góp phần đưa xã Thụy Văn sớm hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đồng chí trưởng ban công tác mặt trận thôn cho biết: Với những hoạt động tích cực của Ban công tác mặt trận, đời sống mọi mặt của người dân trong thôn đã có nhiều đổi thay rõ nét; số hộ giàu và khá giả trong thôn ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 1,26%. Bộ mặt thôn xóm ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”; các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người dân ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, đã hoàn thiện nhà văn hóa thôn kiểu mẫu năm 2022, đồng thời chuẩn bị đưa vào sử dụng công trình trung tâm văn hóa - thể thao của thôn với tổng số nguồn kinh phí xây dựng 2 công trình là trên 2,6 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí đều được huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân và nguồn lực xã hội hóa của con em xa quê. Có thể nói đoàn kết là yếu tố đã làm nên sức mạnh của cộng đồng của thôn Văn Tràng; mọi sự đóng góp của từng người dân hôm nay sẽ đem lại ích lợi lâu dài cho các thế hệ tương lai sinh sống vầ học tập trên mảnh đất quê hương.
Trở về thôn Văn Tràng vào những ngày này, thấy được sự tâm huyết nỗ lực của các đồng chí trong ban công tác mặt trận thôn với phong trào quê hương, đặc biệt sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức điểm Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” cấp tỉnh năm 2023 có thể khẳng định rằng: Thôn Văn Tràng thực sự là một trong những điểm sáng tiêu biểu trong hoạt động tập hợp khối đại đoàn kết, xứng đáng được các đơn vị tham khảo, học tập. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với tinh thần, quyết tâm và truyền thống đoàn kết đó, thôn Văn Tràng sẽ ngày càng phát triển.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện
TIN TRONG HUYỆN
HUYỆN THÁI THỤY TRIỂN KHAI CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG VÀ KINH DOANH KẾT CẤU HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP VISIP THÁI BÌNH
Chiều ngày 02-10-2023, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thái Thuỵ phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1004/QĐ-TTg, ngày 29/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vsip Thái Bình. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Tùng Lâm, Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh; Thái Thị Thu Hường, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Hoá, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND; đại diện các phòng, ban, cơ quan của huyện; thành viên tổ công tác; đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, chi uỷ, chi bộ cơ sở thôn của 2 xã An Tân và Thuỵ Trường.
Theo đó, dự án có quy mô sử dụng đất hơn 333ha, địa điểm thực hiện tại xã An Tân và Thụy Trường. Tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, tạo đà thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung, huyện nhà nói riêng, tạo sự đột phá phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành mô hình mẫu về khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh. Để công tác giải phóng mặt bằng dự án được triển khai theo đúng tiến độ, huyện thành lập Ban chỉ đạo, 3 tiểu ban gồm: Tuyên truyền vận động, an ninh trật tự và chuyên môn nghiệp vụ; 10 tổ công tác phụ trách các thôn với gần 100 thành viên là cán bộ các cơ quan, đơn vị của huyện tham gia phụ trách các thôn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Tùng Lâm, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho rằng: Dự án khu công nghiệp Vsip Thái Bình là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương dành cho mảnh đất Thái Bình - nơi có nhiều đóng góp sức người sức của trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc – nơi đã và đang có những bứt phá trên con đường đổi mới và xây dựng đất nước. Dự án này còn là sự kỳ vọng lớn lao, thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh với mong muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà thúc đẩy và nâng cao đời sống nhân dân; để dự án triển khai thực hiện thành công, trước mắt cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã tiếp nhận dự án trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo thời gian, tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Sau phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Tùng Lâm, đồng chí Nguyễn Văn Hóa- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nêu bật: Dự án khu công nghiệp Vsip được triển khai tại xã An Tân và Thuỵ Trường là niềm vinh dự, tự hào cho đất và người Thái Bình, trong đó có cán bộ, Nhân dân huyện Thái Thuỵ, đặc biệt là 2 địa phương vùng dự án. Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore – chủ đầu tư dự án Vsip Thái Bình là nhà đầu tư lớn, đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội ở địa phương mà Vsip triển khai. Hiện tại đã có 17 dự án ở 14 tỉnh thành phố; vì vậy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 địa phương xã An Tân và Thuỵ Trường, phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo các điều kiện cho dự án được triển khai thuận lợi nhất…để khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, mang lại thu nhập tốt hơn cho người lao động địa phương, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy an sinh xã hội đối với người dân xã An Tân và Thuỵ Trường cùng các địa phương trong huyện
Hoàng Hương - Đài TT-TH huyện
ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 29-NQ/TW KHÓA XI KHẢO SÁT THỰC TẾ TẠI HUYỆN THÁI THỤY
Sáng 13-10-2023, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 –NQ/TW khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã làm việc, khảo sát thực tế tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Tiếp và làm việc với đoàn khảo sát, có các đồng chí: Phạm Đồng Thụy Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Giáo dục & đào tạo; đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng, hiệu trưởng một số nhà trường Mầm non, tiểu học-THCS, THPT…
Tại cuộc khảo sát, sau khi đồng chí Đoàn Hữu Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thái Thụy trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 –NQ/TW khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể như: Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch về học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn đảng bộ huyện; tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt nội dung Nghị quyết tới 100% cán bộ chủ chốt và cán bộ công chức, viên chức, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện. Định kỳ hằng năm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành xây dựng các văn bản để thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương pháp quản lý, dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, đào tạo; xây dựng nền nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm trong trường học. Cùng với đó, Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29. Quá trình triển khai Nghị quyết số 29 đã làm thay đổi nhận thức về mục tiêu giáo dục và đào tạo, nội dung, phương pháp quản lý giáo dục, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc đầu tư các nguồn lực cho giáo dục. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, cấp uỷ, chính quyền và ngành GD&ĐT huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô số lớp, số học sinh phát triển ổn định (riêng cấp Tiểu học tăng 11 lớp với gần 2700 học sinh); duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của huyện: xóa mù chữ mức độ 2, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở duy trì trên 99%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, giáo dục STEM, khoa học kỹ thuật, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ. Các hoạt động giáo dục pháp luật, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được quan tâm thực hiện…
Tuy nhiên, qua đánh giá của thành viên đoàn khảo sát Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 –NQ/TW khóa XI nhận định: Bên cạnh kết quả tích cực, lãnh đạo huyện cũng nhận định một số khó khăn, vướng mắc như việc thực hiện quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” trong thực tiễn có địa phương chưa hiệu quả. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển KT-XH. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một số giáo viên, CBQL chưa tích tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT 2018. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong quản lý học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện thiếu chặt chẽ…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của huyện Thái Thụy trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW; đồng thời, đồng chí đề nghị huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tinh thần của Nghị quyết 29, cụ thể hoá các mục tiêu của Nghị quyết, bổ sung những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn hoá các điều kiện dạy học, quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường kiểm tra giám sát, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên cũng như quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…góp phần cùng với Đảng bộ và Nhân dân trong huyện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm 2023 và trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy
THƯỜNG TRỰC HUYỆN ỦY THÁI THỤY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ GIAO BAN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG 9 THÁNG NĂM 2023
Chiều ngày 17-10-2023, Thường trực Huyện ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác xây dựng Đảng 9 tháng năm 2023 do đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy.
9 tháng năm 2023, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện khá đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung nghị quyết và triển khai Chương trình, kế hoạch hành động có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu. Tổ chức sơ, tổng kết các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh; huyện. Hoàn thành việc tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đạt tỷ lệ 100% gắn với triển khai Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 04-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới Kết luận 54-KL/TW, ngày 09-5-2023 về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TVV, ngày 03-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chận, đẩy lùi sự suy thoái,"tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; 58-KL/TW, ngày 23-6-2023 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 10-4-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ công nhân lao động tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045… đến nay đã tổ chức: 01 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú là tân binh chuẩn bị nhập ngũ; 01 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 142 học viên là đoàn viên học sinh khối THPT; 02 lớp bồi dưỡng kết nạp đảng khóa 3,4/2023 cho đoàn viên, thanh niên ưu tú; 01 lớp Sơ cấp lý luận chính trị khóa 22 cho 69 học viên (đạt 115%); 01 lớp đảng viên mới cho 56 đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở 17 lớp chuyên đề với 3.743 học viên, trong đó có Hội nghị tuyên truyền mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 cho 350 đại biểu là Bí thư Đảng ủy, Báo cáo viên, Bí thư Chi bộ các xã, thị trấn….
Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập được 06 Chi bộ trạm Y tế trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Thực hiện sắp xếp bộ máy, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đơn vị cấp huyện. Điều động, bổ nhiệm các chức danh đảm bảo đúng quy trình, quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ đạo 48/71 Chi bộ đăng ký hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu năm 2023, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quan tâm công tác phát triển đảng viên, 9 tháng kết nạp được 84 đảng viên mới, chuyển đảng chính thức cho 95 đảng viên; trao tặng Huy hiệu đảng cho 939 đảng viên. Thực hiện tốt chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiến hành 02 cuộc kiểm tra của Huyện ủy; 39 cuộc kiểm tra đối với 11 tổ chức đảng, 114 đảng viên; Chi bộ cơ sở thực hiện 15 cuộc kiểm tra, 10 cuộc giám sát…. Chỉ đạo khối dân vận tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 02 xã Thụy Ninh, Thụy Văn thí điểm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”; lựa chọn mô hình dân vận khéo xã Thụy Chính tham gia liên hoan “Dân vận khéo” cấp tỉnh lần thứ nhất đạt giải khuyến khích; tiếp tục đôn đốc 7 Đảng bộ xã chưa hoàn thành việc tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân (29 xã, thị trấn đã tổ chức Hội nghị); xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình dân vận khéo trong toàn huyện…
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu lên những tồn tại, vướng mắc đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân ở một số địa phương tiến độ còn chậm, chất lượng chưa cao. Công tác tạo nguồn, phát triển Đảng ở một số tổ chức cơ sở đảng còn gặp khó khăn, nhất là trong các doanh nghiệp. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Công tác triển khai thực hiện một số cuộc vận động, phong trào thi đua chất lượng, hiệu quả chưa cao....
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2023, các tổ chức cơ sở Đảng, tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; chủ động quán triệt, học tập 4 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 đến các tổ chức cơ sở đảng; đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái đối với Ban chỉ đạo 35 huyện. Tăng cường chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy các cấp, cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo các địa phương tập trung tạo nguồn, phát triển đảng viên, lựa chọn đối tượng tham gia lớp sơ cấp lý luận chính trị đảm bảo chỉ tiêu huyện giao. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường sinh hoạt chuyên đề, đổi mới phương pháp, nội dung sinh hoạt, rèn luyện đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Rà soát các tiêu chí đối với Chi bộ đăng ký kiểu mẫu năm 2023. Đôn đốc hoàn thành tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân… Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có dự án VSIP tại 02 xã Thụy Tân, Thụy Trường; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Triển khai có hiệu quả công tác an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động tháng cao điểm “vì người nghèo”; quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần đối với người, gia đình có công với nước, đối tượng chính sách, yếu thế, hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…góp phần cùng Đảng bộ và Nhân dân trong huyện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Văn phòng Huyện ủy
ĐOÀN ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN THÁI THỤY TỔ CHỨC DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI ĐỀN THỜ BÁC HỒ THÀNH PHỐ THÁI BÌNH VÀ KHU LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, XÃ NAM CƯỜNG, HUYỆN TIỀN HẢI
Chiều ngày 25-10-2023, Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Thái Thụy do đồng chí: Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn; Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Hóa, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện…tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Bác Hồ ở thành phố Thái Bình và khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Ba (26/10/1958 - 26/10/2023) của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thái Thụy.
Tại đền thờ Bác Hồ, trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người quốc tế Cộng sản mẫu mực. Người đã dành trọn cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người không chỉ đem lại tự do cho dân tộc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn để lại cho dân tộc Việt Nam và các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, ở khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, các đồng chí lãnh đạo huyện cùng các đại biểu đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành trọn đời mình đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Thụy nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường Ðảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc của Người; đồng thời, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua lao động, sản xuất, thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra, phấn đấu sớm xây dựng huyện Thái Thụy là thành phố ven biển mạnh, phồn vinh, thịnh vượng và đáng sống.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy
CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP HUYỆN THÁI THỤY GÓP PHẦN QUAN TRỌNG TRONG SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA HUYỆN
Chiều ngày 10-10-2023, UBND Huyện Thái Thụy tổ chức gặp mặt kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2023). Tới dự có đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Uỷ viên ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng chí Đỗ Văn Hiện, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Văn Hoá, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện uỷ, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan của huyện, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và huyện, UBND các xã thị trấn, cùng gần 150 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp huyện luôn sát cánh, đồng hành cùng Huyện ủy, UBND huyện trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện; hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người và thân nhân người có công, người nghèo nhân dịp Lễ, Tết. Đồng thời phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên; thường xuyên tham gia góp ý với Huyện ủy, UBND huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện đã phát huy nội lực, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, tích cực thu hút lao động và giải quyết việc làm; đóng góp quan trọng cho ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện…Đặc biệt, năm 2023 trước tác động tiêu cực của cuộc suy thoái kinh tế của thời kỳ hậu covid, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cấp uỷ đảng chính quyền luôn đồng hành, sẻ chia khó khăn tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh: Hơn 660 doanh nghiệp, trên 6.000 cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó có gần 150 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp, gần 100 doanh nghiệp vận tải biển thường xuyên khai thác tiềm năng lợi thế huyện ven biển, với đa ngành nghề, lĩnh vực, các doanh nghiệp đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 27.000 lao động, mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm đóng góp khoảng 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Với gần 150 hội viên tham gia sinh hoạt, hiệp hội doanh nghiệp huyện đã phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, tạo đà giúp các doanh nghiệp vượt qua thử thách, đứng vững trên thương trường. Đi đôi với duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm với xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện có nhiều hoạt động hỗ trợ, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác an sinh, chung tay cùng các cấp, các ngành chăm lo cho đối tượng yếu thế.
Tại hội nghị, hiệp hội doanh nghiệp huyện đã trao tặng 10 triệu đồng cho Hội nạn nhân chất độc da cam của huyện, tặng 10 triệu đồng cho quỹ tiếp bước em tới trường. Nhân dịp này, 6 doanh nghiệp tiêu biểu được hiệp hội doanh nghiệp tỉnh khen thưởng. UBND huyện cũng tặng giấy khen cho 10 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023
Ghi nhận những nỗ lực và sự đồng hành của các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Hoá, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh vai trò, vị thế và trách nhiệm của các doanh nghiệp doanh nhân trên địa bàn cho sự phát triển của huyện. Với phương châm: “đồng hành, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp”, cũng trong thời gian qua, UBND huyện đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn vướng mắc, và có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp được nâng lên, tạo đà giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực khắc phục khó khăn. Là tổ chức xã hội tự nguyện, Hiệp hội doanh nghiệp luôn sát cánh, đồng hành cùng các doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích cho các thành viên, đồng thời tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đồng chí Chủ tịch UBND đề nghị, hiện nay dự án khu công nghiệp Vsip Thái Bình, dự án điện khí và một số dự án quan trọng đang được triển khai tại huyện, thời gian tới các doanh nghiệp cần thể hiện sự năng động, nhạy bén nắm bắt, tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, nỗ lực cùng cán bộ Nhân dân huyện Thái Thụy phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại 3. Cùng với đó, hiệp hội doanh nghiệp phải tăng cường vai trò kết nối, tuyên truyền vận động kết nạp thành viên mới; và tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Các cấp chính quyền trong huyện cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân giữ vững niềm tin, vươn lên trong thời kỳ hội nhập, phát triển góp phần phát triển kinh tế- xã hội huyện Thái Thụy lên tầm cao mới.
Hoàng Hương - Đài TT-TH huyện
HỘI LHPN HUYỆN TỔ CHỨC BÀN GIAO NHÀ MÁI ẤM TÌNH THƯƠNG CHO HỘI VIÊN NGHÈO XÃ AN TÂN
Sáng ngày 10/10/2023, Hội LHPN huyện tổ chức khánh thành, bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Trần Thị Dâu thôn Tân Cường xã An Tân. Tới dự có đồng chí Đỗ Thị Phương Lan, HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện; đồng chí Nguyễn Tiến Ninh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện; đồng chí Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc Chi nhánh Tym tại Thái Bình; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã An Tân; Ban công tác thôn Tân Cường cùng đông đủ chị em Ban chấp hành Hội LHPN xã, chi hội phụ nữ thôn Tân Cường.
Bà Trần Thị Dâu thôn Tân Cường xã An Tân thuộc diện hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi con, sức khỏe giảm sút, nhiều năm nay sống trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Hội LHPN huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng gia đình, dòng họ, sau hơn 5 tháng thi công, đến nay ngôi nhà “Mái ấm tình thương” đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích gần 60 m2, công trình phụ khép kín, tổng kinh phí xây dựng trên 260 triệu đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ huyện trích quỹ hỗ trợ 40 triệu đồng, anh em gia đình dòng họ quyên góp 50 triệu đồng và giúp đỡ hàng trăm ngày công, xã vận động từ nhiều nguồn khác 70 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình tiết kiệm.
Tại lễ bàn giao nhà Mái ấm tình thương đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, MTTQ huyện, chi nhánh quỹ Tym, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã An Tân, ban công tác mặt trận thôn Tân Cường đã trao tặng gia đình bà Trần Thị Dâu nhiều phần quà có ý nghĩa thiết thực. Giờ đây được sống trong ngôi nhà khang trang, giúp gia đình bà Dâu có thêm động lực vươn lên ổn định cuộc sống.
Đây là công trình Chào mừng 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 - 20/10/2023,là ngôi nhà mái ấm tình thương thứ 2 được khánh thành trong năm 2023 và là ngôi nhà thứ 6 trong nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương./
Hà Chi - Hội LHPN huyện Thái Thụy
LỜI KÊU GỌI
Toàn dân tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (Từ ngày 17/10 đến ngày 18/11/2023)
Trong những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” huyện Thái Thụy đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện. Năm 2022, Quỹ “Vì người nghèo” huyện và cấp xã đã vận động trên 2.6 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được và các nguồn hỗ trợ khác, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện và cấp xã đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 67 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tặng quà 600 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp khám chữa bệnh cho 21 hộ nghèo; giúp phát triển sản xuất cho 71 hộ nghèo; thăm, tặng trên 2.500 suất quà nhân dịp lễ, Tết... góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,24% giúp người nghèo dần ổn định cuộc sống.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thái Thụy - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện trân trọng cảm ơn, ghi nhận những tình cảm quý báu của các tập thể, cá nhân và các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ, chăm lo, giúp đỡ người nghèo thời gian qua. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thực tế tính đến tháng 9/2022, huyện Thái Thụy vẫn còn 1.997 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,24%; còn 1.752 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,96% , trong đó có nhiều hộ đang gặp khó khăn về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, nhiều hộ thiếu vốn sản xuất, ốm đau ... đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Thông báo kết luận số 876-TB/HU ngày 29/9/2023 của Thường trực Huyện ủy về việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2023; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thái Thụy trân trọng kêu gọi:
Các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” bằng những hành động thiết thực, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người lao động trong các thành phần kinh tế; cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp trong các lực lượng vũ trang ủng hộ ít nhất 01 ngày lương hoặc 01 ngày thu nhập; các hộ nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, cán bộ hưu trí, mất sức, các doanh nhân, con em Thái Thụy ở mọi miền Tổ quốc với lòng hảo tâm, ủng hộ Quỹ với tinh thần cao nhất.
Với tất cả tinh thần trách nhiệm vì người nghèo, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện sẽ phối hợp quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, đảm bảo sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lóp nhân dân được sử dụng đúng mục đích để phục vụ, chăm lo cho đối tượng nghèo.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thái Thụy, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện trân trọng cảm ơn và tri ân những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng hảo tâm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện đã ủng hộ, chăm lo, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua. Sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện có ý nghĩa thiết thực, nhân văn sâu sắc, góp phần cùng Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong huyện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023.
Mọi hình thức đóng góp, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” huyện xin chuyển về: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thái Thụy. Số tài khoản: 3761.0.1019041.91046 tại Kho bạc Nhà nước huyện Thái Thụy. Hoặc trực tiếp ủng hộ tại: Cơ quan ủy ban MTTQ huyện Thái Thụy, Tổ dân phố số 7, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trân trọng cảm ơn!
Thường trực UBMTTQ VN huyện
TƯ LIỆU THAM KHẢO
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CỐT LÕI TRONG TÁC PHẨM CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(tiếp theo kỳ trước)
Bởi thế, nếu sự tự răn của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì Đảng cương không vùng cấm, “Quốc pháp bất vị thân” phải kiềm tỏa và toàn dụng. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe…. Ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được... Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.
Chưa thấy những con đường tự giáo hóa, tự phòng ngừa, cũng chửa thấy phương cách phòng ngừa, ngăn chặn, gột rửa và tẩy trừ tham nhũng nào khác khả dụng hơn!
5- Làm gì và làm như thế nào để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Ai ai cũng đang trăn trở: Chúng ta phải làm gì, bằng cái gì để trừng trị cho bằng được tham nhũng và cái gốc đẻ ra tham nhũng?
Không ít người đang rắp mưu đánh tráo việc chống tham nhũng với thanh trừng phe phái, nguy hiểm hơn đổ cho thể chế của chúng ta. Phải khẳng định ngay là, từ xưa tới nay, ở nước ta và các quốc gia, dân tộc trên khắp hoàn cầu, không có thời nào chính tín, không một thể chế chính danh nào dung nạp hay nhân nhượng với tham nhũng. Xin cam kết lại là, không có thể chế chính danh nào, chính thể chính đáng nào dung túng hay dung tha tham nhũng. Đổ lỗi cho thể chế của ta, nói và hiểu như thế, rõ ràng là cách nhìn của những người thiển cận hoặc đàn hặc hoặc cừu thù.
Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí càng phải vậy. Trong rất nhiều vấn đề, phải phải sửa đổi tư duy làm đầu. Cấp bách là, tiếp tục đổi mới tư duy toàn diện về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực, lãng phí.
Cần lấy phòng làm việc đầu tiên, làm việc căn bản, làm thế chủ động; đồng thời gắn với chống cả tiêu cực và tham nhũng. Nếu không như vậy, mới chỉ chống tham nhũng, tiêu cực “một nửa”, nghĩa là dọn dẹp hậu quả và hệ lụy của tham nhũng, lãng phí. Tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân dẫn tới trộm cắp, tham nhũng. Lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và hoành hành, mà bắt đầu từ tiêu cực, hủ bại. “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiển cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực (…) có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực” (16).
Bài học từ 500 năm qua càng xác tín, không chủ động phòng bằng việc kiểm soát hữu hiệu những căn nguyên nảy nói tham nhũng, ở đây từ quyền lực, nhất định không thể khắc chế được tham nhũng - cái “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Vì, khi là “khuyết tật” nó càng trở nên nguy hiểm hơn gắp bội, khi những người được giao quyền lực rơi vào tha hóa, thoái hóa quyền lực hoặc để cho thân nhân của họ ( hoặc cha mẹ hoặc vợ hoặc chồng hoặc con hoặc anh em…) bằng mọi thủ đoạn: cáo mượn oai hùm, ruồi trên đầu hổ… lợi dụng “khuyết tật” ấy để trục lợi, tham nhũng. Vì thế, “…Phải khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (419); càng cần “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn cchawjn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoai lệ, không bị tác đọng không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” (434).
Đó chính là khâu căn bản để đột phá đổi mới tư duy, tầm nhìn và nguyên tắc để xây dựng hệ thống chính sách hoàn bị hợp thành cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bất cứ ai khi nắm giữ quyền lực, dù hình thức này hay kia, dù mức độ cao hay thấp… nếu không được kiểm soát và khắc chế cũng có thể có nguy cơ trở thành kẻ ăn cắp hay tham nhũng, nếu dục vọng cá nhân không được khắc chế, nếu tự kỷ không có liêm sỉ, nếu đạo đức cá nhân kém nát hay hủ bại, nếu người nắm giữ rường cột thể chế các cấp mục ruỗng, nếu luật pháp quốc gia lỏng lẻo hay suy bại. Tha hóa, thoái hóa quyền lực nhất định tới nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực, thậm chí lạm quyền, lộng quyến và thoán đoạt quyền lực. Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một bước trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người!
Do đó, phải “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thoiwd khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực” (46). Rường cột của cơ chế này chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi và vận hành bằng pháp luật với phương châm công khai, dân chủ và minh bạch, nghĩa là hành lang để quyền lực thực thi và kiểm soát nó. “Tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực” (49). Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. “Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa” (49). Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại.
Theo đó, trước mắt, việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế trên nền móng Quốc pháp – Đảng cương và sự giám sát của Nhân dân thật sự là là vòng cương tỏa của thể chế tổng hợp phòng, chống tham nhũng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu qủa từ Đức trị tới Pháp trị, với phương châm Dân chủ hóa, Minh bạch hóa, gồm 8 mặt chỉnh thể: 1- Không nên tham nhũng; 2- Không được tham nhũng; 3 - Không thể tham nhũng; 4 - Không cần tham nhũng; 5- Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; 6- Không thể thoát khi tham nhũng; và 7- Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng và 8- Các cấp (và trong ngoài phối hợp) đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ cơ chế kiểm soát thì sẽ có cơ chế khắc trị... và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là công khai, dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn! Công khai, minh bạch là con đường ngắn nhất để nhận diện và phòng, chống tham nhũng hiệu quả, để cắt bỏ cái khuyết tật bẩm sinh của quyền lực..
(còn nữa)