Đình Đoài, Đền Mẫu xã Thái Hưng - một di tích lịch sử văn hóa đặc sắc
Đình Đoài, Đền Mẫu làng Vũ Thành xã Thái Hưng là nơi thờ Thành Hoàng làng là ông Bùi Công Đán - Thần phả chép ông đỗ Tiến sỹ thời vua Huệ Tông nhà Lý, làm quan tri huyện tại vùng này sau thăng làm tham tri bộ lễ thời nhà Trần.
Từ những trang Thần tích nhuốm màu huyền thoại
Cuối thời nhà Lý, triều vua Huệ Tông ở tại Châu Xích Đằng, phủ Khoái Châu xã Hưng Vũ trong một gia tộc họ Bùi có một người là Bùi Xựng Công Đán. Xùng Công được cha mẹ nuôi dưỡng, học hành, văn chương đều quán triệt xứng đáng là Thánh đồng xuất thế. Đến tháng 9 năm Giáp Tý, Bùi Công ra Thăng Long ứng thi trúng ngay Hương cống ở hàng thứ hai, năm sau Bùi Công dự thi Đình và trúng đệ nhị giáp tiến sĩ. Vua phong cho làm Tả thị giảng chăm lo cho các Hoàng tử và sau 3 năm Bùi Công được bổ làm Tri phủ Khoái Châu.
Tại thôn Đoài, xã Vũ Nghị, huyện Thanh Quan, có một gia tộc lớn là họ Giang sinh được một người con gái là Cẩm Dung tuổi tròn 16, sắc đẹp tuyệt thế giai nhân, đức hạnh, thiên hạ ít ai sánh kịp… Phủ quan Bùi Công khi đó đã góa vợ, liền chỉnh biện lễ vật chọn ngày đến xin được nàng Cẩm Dung về làm vợ. Sau cho xây dựng một du cung để phu nhân ở, đặt tên hiệu là Phúc Lộc cung. Từ đó phủ quan và phu nhân đem tiền của phân phát cho mọi người làm điều phúc đức, cứu nhân độ thế.
Một hôm đương mùa hạ, phu nhân Cẩm Dung ra tắm tại dòng sông trước du cung, chợt thấy một con giảo long thân dài hơn 6 mét, đầu đội mũ sán lạn lao thẳng vào và cuốn quanh ba vòng. Trong khoảnh khắc, giảo long tự biến mất, phu nhân hồi tỉnh vội vã về cung thưa chuyện lạ với chồng… Vào quãng nửa đêm hôm đó phủ quan đang nằm tại mái tây hiên cung Phúc Lộc, nửa tỉnh, nửa mê thấy có một vị thần từ trên trời giáng xuống đứng tại cửa cung hai tay cầm cờ xanh đàng hoàng đi thẳng vào, lại thấy một người thân dài chín thước từ trong nước bay vút lên không cùng tọa lập ngay trước mặt và nói: nay Ngọc Hoàng thượng đế xuống sắc cho phủ quan và phu nhân hai vị thủy thần đầu thai làm con sau xuất thế giúp nước cứu dân, nay lệnh cho phủ quan biết rõ, tuân theo lệnh này. Lời nói vừa dứt thì hai vị thần đều biến mất. Phủ quan chợt tỉnh mở tay ra thấy vẫn cầm phong thư có để tên hai vị một là Bùi Long Bến Mơ Đại vương; một là Thạc Thần Trà Hải Đại Vương.
Từ đó phu nhân có mang. Tới năm Tân Tỵ mùa thu, chợt thấy hương thơm khắp nhà phu nhân trở dạ sinh ra một bọc xanh, phá xuất ra hai người con trai tướng mạo khôi kỳ khác người… Sau khi sinh con được hơn một tháng, phu nhân bị bệnh qua đời đó là vào ngày 20/9, phủ quan tìm ngày tốt an táng phu nhân tại phía tay trái của du cung.
Năm lên ba tuổi hai vị không cần học mà tự viết chữ. Phủ quan liền làm biểu tâu lên với vua. Vua được tin liền sai sứ thần triệu hai vị về kinh đô để trực tiếp đối diện. Hai công bái tạ nhà vua và ứng đối lưu loát như nước chảy, lại biểu diễn những phép thuật như gọi gió, hú mưa. Nhà vua liền ban cho người anh hiệu Bùi Long Bến Mơ tướng quân; người em Bùi Thạc Trà Hải Đại Vương tướng quân.
Ngay trong ngày hôm đó Nhà vua xuống lệnh phong cho phủ quan Bùi Công chức tham tri Hình bộ; tái gia phu nhân Cẩm Dung tiên nương cẩn tiết phu nhân, chuẩn cho huyện Thanh Quan, tổng Lễ thần, xã Vũ Nghị, thôn Đoài xây dựng miếu đường để thờ phụng. 20 năm sau, quan tham tri Hình bộ thì bị mắc bệnh và đã qua đời. Nhà vua thương xót truyền lệnh cho an táng tại phía Tây thành vùng Bắc sông Tô Lịch và gia phong cho làm Thượng đẳng phúc thần, chuẩn cho huyện Vĩnh Lại, tổng Long Thiên, xã Tô Lịch là nơi đặt lăng tẩm chính để phụng thờ và huyện Thanh Quan, tổng Lễ Thần, xã Vũ Nghị, Thôn Đoài đồng phụng tự.
Hoàng đế Lý Huệ Tông cũng xuống chiếu gia phong hai vị con của Phủ quan: một là tả đạo binh nhung Bùi Long đại tướng quân thăng nhậm đạo Kinh Bắc; Bùi Thược đốc lãnh hầu đại tướng quân thăng nhậm đạo Sơn Nam Hạ.
Đến một di tích lịch sử văn hóa đặc sắc
Đình Đoài, Đền Mẫu làng Vũ Thành xã Thái Hưng là nơi thờ Thành Hoàng làng là ông Bùi Công Đán - Thần phả chép ông đỗ Tiến sỹ thời vua Huệ Tông nhà Lý, làm quan tri huyện tại vùng này sau thăng làm tham tri bộ lễ thời nhà Trần. Ông bà đã làm nhiều việc công ích cho làng như tổ chức khai hoang, lập làng, phát triển sản xuất và dựng chùa chiền, giáo huấn cho dân làng, được dân làng rất kính trọng. Ông bà sinh ra được hai người con là Bùi Long và Bùi Thược( Thạc) có tài văn võ xuất chúng và được làm tướng quân ở thời nhà Trần. Dưới triều Trần, hai tướng Bùi Long và Bùi Thược đã tham gia các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên và đã lập nhiều chiến công. Trần Quốc Tuấn đã giao cho hai ông đóng đồn ở hai vị trí là Trà Hải và Bến Mơ tại vùng huyện Thanh Quan này để biên phòng cửa biển. Trong chiến dịch Bạch Đằng hai ông đã anh dũng hy sinh.
Nhà Trần đã cho phép dân làng lập Đền thờ Bùi Công Đán và Giang Thị Cẩm Dung tại trung tâm của làng. Hai vị này có đền thờ riêng ở hai nơi trong làng và được thờ cộng đồng cùng thân phụ, thân mẫu tại đình làng vào thế kỷ 13 thời nhà Trần và được các triều đại phong kiến phong sắc truy tặng là Thành Hoàng, Phúc thần của làng.
Các sắc phong còn lưu giữ lại.
Đến thế kỷ 18 làng Vũ Thành có hai cha con đều thi đỗ Tiến sĩ và làm quan đồng triều đó là Giang Sĩ Đoan - thi đậu Tiến sĩ năm Tân Sửu đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721). Vì kiêng tên chúa Trịnh Giang nên khi đi thi và làm quan trong triều đổi họ Giang thành họ Uông. Đậu tiến sĩ, ông làm quan ở Viện Hàm Lâm sau được thăng lên công bộ Hữu Thị Lang, tước là Lan Phương Bá. 5 người con của Uông Sĩ Đoan, giỏi nhất là Uông Sĩ Điển thi đậu tiến sĩ.
Năm 1766 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 đời vua Lê Hiển Tông, ông được bổ làm quan, thăng dần lên chức Bồi tụng kiêm đô ngự sử tước Thao đường hầu. Hai cha con ông cuối đời khi về hưu đã có công bỏ tiền tu sửa đình, chùa của làng và được dân làng suy tôn làm hậu thần thờ phối hưởng tại Đình Đoài .
Theo thần tích, Đình Đoài, Đền Mẫu được xây dựng từ thế kỷ XIII thời vua Trần Thái Tông. Qua các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn đều được sửa chữa, trùng tu tôn tạo thêm. Tại tòa Trung đường của đình còn dòng chữ Hán ghi niên đại năm Tự Đức thứ 23 - Canh Ngọ (1880), tháng Quý hạ (tháng 6 âm lịch). Lần tu sửa gần nhất là năm Giáp Thân 2004 - tháng 9 âm lịch ngày 10 - tu sửa tòa trung đường.
Tiếp đó vào năm 2007 chính quyền, ban quản lý di tích và nhân dân địa phương đã tiến hành khôi phục tòa tiền đường trên nền cũ do bị bom Pháp phá hủy năm 1951. Tòa tiền đường Đình Đoài có quy mô 5 gian được xây theo kiểu mái cong đao guột có chiều dài là 16,5m, chiều rộng là 8m. Phần mái lợp ngói cổ hình vây cá, cú 2 con ngạc long ngậm đại bờ.Đao và bờ cong có trang trí hoa văn họa tiết lá lật, rồng chầu phượng múa. Khung kiến trúc làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền. Các vì kèo đều làm theo kiểu thượng giá chiêng, hạ chồng rường, có đấu sen soi chỉ kép, thân và đầu các thanh rường chạm hoa văn lá lật, các đầu dư đều làm thành đầu rồng mắt lồi, mồm bạnh to, râu bờm dữ tợn.Hệ thống các bảy tiền và bảy hậu đều trang trí họa tiết lá lật, kỹ thuật đắp vẽ chênh bong. 2 gian giáp hai bồn bưng kín - để cửa sổ tròn, 3 gian giữa để trống thông thoáng suốt vào tòa Trung đình. Các cột cái đều trang trí bằng các câu đối.
Tòa Trung đình có quy mụ 3 gian có kích thước dài 8m, rộng 6m. Toà điện này kiến trúc theo kiểu hồi văn đắp đấu mái chảy lợp ngói vây cá. Khung kiến trúc và dàn mái bằng gỗ lim. Tòa điện này và hậu cung còn nguyên vẹn kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc các vì kèo làm 4 hàng cột, 2 vì kèo giữa thượng giá chiêng hạ chồng rường, các thanh rường đều chạm hoa văn mây cuộn lá lật. 2 vì kèo giáp 2 hồi làm theo kiểu thượng giá chiêng ván mê chạm hoa văn triện kỷ hà lá lật. Các đấu đỡ đều chạm hình đấu sen.
3 gian Trung đình đều có 3 bộ cửa võng, phần trên chạm "Lưỡng long chầu nguyệt", phần lèo các bộ cửa võng chạm phượng, lân, rùa cùng hoa sen. Gian chính giữa có một ban thờ đặt rước chiếc sập thờ gỗ gụ có niên đại và phong cách chạm trổ thờ nhà Lê. Đồ thờ có bộ ngũ sự đồng thời Nguyễn, 2 lục bình lớn, 2 ngựa hồng và ngựa bạch. 2 gian hồi tòa điện này là 2 ban thờ 2 khám gian trong đặt tượng 2 vị tướng Bùi Long - Bùi Thược mặc quần áo giáp khi ra trận đầu đội mũ trụ, tay cầm kiếm.
Tòa hậu cung thờ đức Bùi Công Đán gồm 2 gian nối với Tòa Trung đường thành hình chuôi vồ. Hệ thống 2 vì kèo làm kiểu thượng giá chiêng hạ chồng rường. Khung kiến trúc gỗ lim, dàn mái gỗ lợp ngói vây cá.1 gian bên ngoài tiếp giáp với Tòa Trung là 1 vì kèo chạm tứ linh, vì kèo thứ 2 giáp gian hậu cung kiến trúc chồng rường có ván mê chạm 4 chữ Hán "Thiên thu huân cao".
Nơi đây đặt ban thờ có cỗ ngai - bài vị niên đại thời Nguyễn, bộ bát biểu và 2 biển đề 4 chữ Hán là "Túc Ung" và "Hồi Tỵ".Nơi đây cũn đặt sập thờ thời Lê chân quỳ dạ cá chạm hình rồng phượng lân và rùa. Riềm của sập thờ có 4 tầng chạm tứ linh và tứ quý.
Quy mô 3 gian trung đình nối hậu cung 2 gian hình chữ Đinh và hợp với Tiền đường thành thức kiến trúc Tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh.
Đền Mẫu là nơi thờ bà Giang Thị Cẩm Dung - phu nhân của đức Bùi Công Đán nằm ở phía trước ngôi đình về phía bên phải tòa Tiền đường. Đền Mẫu có quy mô 3 gian Tiền đường và 2 gian hậu cung dạng như chữ Đinh - một trong những kiến trúc đền miếu truyền thống của làng xã Việt Nam.Tiền Đường 3 gian được làm theo kiểu hồi văn năm đấu, mái chảy lợp ngói vây cá. Khung kiến trúc bằng gỗ, hệ thống các vì kèo làm theo kiểu kèo cầu quá giang vượt, bào trơn đóng bén, không chạm trổ gì đặc biệt.
Phần hiên Tiền đường Đền Mẫu có xây dựng bao loan trổ thủng họa tiết hoa lá, 2 hồi có trụ biểu đắp hình bình hồ lô, ngoài mặt có câu đối tại 2 trụ biểu và cột hiên:Thiên thu tiết liệt Giang công nữ / Vạn cổ hương yên Hốt lĩnh thần .Hậu cung gồm 2 gian thông suốt từ gian giữa tiền đường. Đây là nơi bài trí ban thờ Giang Thị Cẩm Sung. Kiến trúc bằng gỗ, các vì kèo làm theo kiểu "Thượng quang đèn đấu sen, hạ chồng rường". Ban thờ còn có khám nho thờ tượng mẫu, bộ ngũ sự bằng đồng. Tương truyền đây đây cũng chính là lăng tẩm của đức mẫu Cẩm Dung.
Đình Đoài, Đền Mẫu có các công trình phù trợ tôn tạo cho cảnh quan xung quanh như hồ nước phía trước, sân rộng phục vụ lễ hội. Bên trái, bên phải còn cú vườn cây, cây gạo hàng trăm năm tuổi rũ bóng xuống đền đình tạo cho di tích dỏng vẻ cổ kính.
Trong Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến, Đình Đoài, Đền Mẫu cũng là một “địa chỉ đỏ” góp phần vào thắng lợi chung của quê hương đất nước, đặc biệt năm 1947 đình Đoài là nơi thành lập Chi bộ Đảng xã Thần Vũ. Cùng với giá trị lịch sử Đình Đoài, Đền Mẫu còn là công trình kiến trúc được bảo tồn và khôi phục mang phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn và phong cách thời Lê.
Trước giá trị lich sử văn hoá đặc sắc đó, hàng chục năm qua, được sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của các cấp uỷ chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, Ban quản lý di tích đình Đoài, đền Mẫu đã tích cực, trung tu, tôn tạo di tích. Tại thời điểm hiện tại, toàn bộ số tiền xây dựng công trình đã trị giá tới 4 tỷ đồng. Đây là sự nhiệt thành ủng hộ, công đức của nhân dân trong xã, trong huyện, trong tỉnh, con em xa quê và khách thập phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, nhân dân trong làng xã còn tự nguyện tham gia hàng vạn ngày công góp phần bảo tồn, tôn tạo lên một di tích đẹp đẽ hoành tráng trong tỉnh. Công trình vẫn đang được tiếp tục trùng tu, tôn tạo.
Đình Đoài, đền Mẫu được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và đang được đề nghị công nhận là di tích cấp quốc gia.