Đình Bích Đoài xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Đình Bích Đoài nằm ở thôn Bích Du Đoài (còn gọi là Bích Đoài), xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy. Đình được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích LSVH cấp quốc gia, loại hình Kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 2015/VHQĐ, ngày 16 tháng 12 năm 1993.
Căn cứ vào phong cách kiến trúc trên một số mảng chạm tại bức y môn gian chính cung toà Tiền đường, bài vị và niên đại của những tấm bia tại chùa thì đình Bích Đoài được khởi dựng ít nhất là vào đầu thế kỷ XVII. Ngôi đình hiện nay là kết quả của đợt trùng tu cuối cùng vào năm Khải Định thứ 8 (1924).
Đình Bích Đoài có quy mô kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm 03 toà. Toà Tiền đường 05 gian, xây kiểu hồi văn đắp đấu, ngạc long ngậm đại bờ, mái chảy lợp ngói mũi. Các bẩy hiên tiền chạm lỗng, bong, kênh đề tài long hoá lá. Bộ khung kiến trúc gỗ với 04 hàng cột lim, bộ vì kèo theo kiểu chồng đấu hoa sen được chạm trổ đề tài tứ linh. Nét nổi bật trong phong cách kiến trúc của đình Bích Đoài là những nét chạm khắc tại các cốn mê của gian chính cung với các hoạ tiết cá hoá long, vịt táp sen, cua cá sống động mà hữu tình.
Toà Ống muống 02 gian để thông nối với toà Hậu cung, kết cấu bộ vì kèo theo kiểu quang đèn quen thuộc cùng với không gian thâm tĩnh huyền ảo. Đây là nơi đặt bài vị, long ngai, ban thờ và treo câu đối, hoành phi.
Toà Hậu cung kiến trúc theo kiểu tháp 3 tầng, cao 15m, mái tứ diện chồng diêm. Đại bờ tầng trên cùng đắp ngạc long ngậm. Các đao của ba tầng mái đắp song loan cách điệu uốn cong mềm mại.
Đình Bích Đoài là nơi tôn thờ, tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Mậu - một trí thức đại khoa, một trung thần thời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Ông là một trong 38 vị đại khoa của tỉnh Thái Bình dưới triều Lê Sơ. Công lao vào tài đức của ông xứng đáng là một danh nhân văn hoá, là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân làng Bích Du Đoài, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, mà còn là niềm tự hào của cả tỉnh và cả nước. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá di tích đình Bích Đoài chính là một viên gạch xây đắp nền móng truyền thống văn hoá vững bền cho muôn đời sau.