A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đình An Tiêm – di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Đình An Tiêm tọa lạc trên một mảnh đất rộng giữa làng An Tiêm, xã Thuỵ Dân, huyện Thái Thụy; cách thành phố Thái Bình 24 km, theo quốc lộ 39. Trải qua gần 200 năm, ngôi đình vẫn là niềm tự hào của người dân An Tiêm bởi những giá trị văn hoá lịch sử mà ngôi đình mang lại. Năm 2003, đình An Tiêm được UBND tỉnh Thái Bình xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngày 14 tháng 4 năm 2011, đình vinh dự được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Đình được xây dựng vào năm 1830, trùng tu vào năm 1895 (Thành Thái thứ 7) trên cơ sở tôn tạo nền đình cũ. Đình được tu bổ trong 3 năm được làm bởi hiệp thợ Cao Đà (Hà Tây). Đình có quy mô kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm có 05 gian tòa Tiền đường và 03 gian tòa Hậu cung, làm toàn bằng gỗ lim, xây bằng gạch Bát Tràng. Các bậc thềm hiên bằng đá phiến xanh. Đình được chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đến nay, dù đã qua nhiều đợt tu bổ, tôn tạo nhưng ngôi đình vẫn giữ được những nét chạm khắc xa xưa. Đặc biệt, bộ cửa võng gian trung tâm và bức cuốn thư treo gian giữa có niên đại từ thời Nguyễn, toà Tiền tế thì hầu như còn giữ lại nguyên vẹn.

          Đình An Tiêm là nơi thờ thành hoàng là các vị thần có công giúp nước cứu dân liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của làng xã. Theo các tài liệu mà các chức sắc của làng khai năm 1938 (hiện lưu tại Viện Khoa Học Thông Tin Xã Hội) thì đình thờ các vị thần Dũng tướng đại vương và Mãnh tướng đại vương có công phù vua Trần đánh giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1258). Do vậy, cứ mồng 10 tháng 3 âm lịch ( ngày sinh của hai vị) và 25 tháng chạp âm lịch ( ngày mất của hai vị), dân làng lại mở hội đình, tế lễ hai vị thần này. Ngoài ra đình còn phối thờ 05 vị tổ sư nghề rèn, tương truyền trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho lập xưởng rèn tại làng Cao Dương và do 05 vị thợ cả này phụ trách.

          Hội đình được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động phần lễ như: rước Thành Hoàng quanh làng, lễ dâng hương và những trò chơi dân gian đặc sắc như: đập niêu, bịt mắt bắt vịt, kéo co, cuộc thi rèn giữa các đội rèn trong làng…


Nguồn:http://thaibinhtourism.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết